Phái đoàn ECOWAS đàm phán với lực lượng tiến hành binh biến Mali
VOV.VN - Cuộc đàm phán giữa Cộng đồng Kinh tế Tây Phi với lực lượng tiến hành binh biến được cho là chìa khóa giải quyết bất ổn tại Mali.
Hôm qua (22/8), mọi sự chú ý đổ dồn vào chuyến thăm của phái đoàn Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đến Mali để gặp chính quyền quân sự và Tổng thống bị lật đổ nhằm thúc đẩy khôi phục chế độ dân sự sau cuộc đảo chính ở quốc gia này.
Cuộc đàm phán giữa Cộng đồng Kinh tế Tây Phi với lực lượng tiến hành binh biến được cho là chìa khóa giải quyết bất ổn tại Mali bởi ECOWAS đang huy động một lực lượng quân sự trong khu vực, dấu hiệu cho thấy tổ chức này sẵn sàng can thiệp quân sự vào Mali trong trường hợp các cuộc đàm phán thất bại.
Phái đoàn của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi do cựu Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan dẫn đầu hôm qua đã có cuộc hội đàm kéo dài khoảng 30 phút với các thủ lĩnh quân đội Mali, bao gồm cả Đại tá Assimi Goita, người tự xưng đứng đầu chính quyền quân sự.
Phát biểu sau cuộc họp, ông Jonathan cho biết, các cuộc đàm phán đang diễn ra tốt đẹp: "Cộng đồng kinh tế Tây Phi mong muốn điều tốt nhất cho đất nước Mali và chúng tôi ở đây để thảo luận với tất cả các bên liên quan chính. Tôi tin rằng, chúng tôi sẽ làm được điều gì đó điều đó tốt nhất cho người dân Mali, tốt cho ECOWAS và cộng đồng quốc tế".
Sau các cuộc gặp, 3 đặc phái viên của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi đã gặp Tổng thống bị lật Ibrahim Boubacar Keita tại địa điểm không được tiết lộ. Trong một thông báo ngắn, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi cho biết, Tổng thống bị lật đổ Keita và các quan chức Mali vẫn trong tình trạng sức khỏe tốt.
Trước đó ngày 21/8, Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Mali (MINUSMA) cũng cho biết, các đại diện của phái bộ này đã tiếp cận được với Tổng thống Keita, người buộc phải từ chức sau vụ binh biến, cùng với những thành viên chính phủ đang bị lực lượng đảo chính bắt giữ.
Trong khi đó, một thành viên giấu tên trong lực lượng tiến hành binh biến cho biết đã trả tự do cho cựu Bộ trưởng Kinh tế Adoulaye Daffe và Thư ký riêng của Tổng thống là Sabane Mahalmoudou. Như vậy, hiện còn 17 người đang bị lực lượng đảo chính bắt giữ tại Kati.
Từ năm 2012, Mali đã trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng nhiều mặt, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng trăm người khác phải rời bỏ nhà cửa. Vụ binh biến hôm 18/8 tiếp tục giáng thêm một đòn mạnh vào một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đang phải gồng mình chống đỡ cuộc nổi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan và sự bất bình của người dân đối với chính quyền. Đây là cuộc đảo chính thứ 2 xảy ra tại Mali trong 8 năm qua.
Các tổ chức trong khu vực và thế giới cùng nhiều nước đã lên án cuộc binh biến mới tại Mali và yêu cầu trả tự do cho những lãnh đạo bị bắt giữ./.