Phân hóa giàu nghèo tăng mạnh tại các nước OECD
Khoảng cách này là 14% tại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, 10% tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh, 6% tại Đức, Đan Mạch và Thụy Điển.
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra sáng 5/12 cho biết, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng rõ nét ở các nền kinh tế lớn trên thế giới và đang ở ngưỡng cao nhất trong vòng 30 năm qua. Khoảng cách về thu nhập giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất trong xã hội tại các nước thành viên của OECD đang gia tăng mạnh.
Xu hướng này hiện hữu nhất là tại hai nước Chile và Mexico, với thu nhập của người giàu tăng 25 lần so với thu nhập của người nghèo. Khoảng cách về thu nhập giữa người giàu và người nghèo trong xã hội cũng đang ngày càng nới rộng, với tỷ lệ là 14% tại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, 10% tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh, 6% tại Đức, Đan Mạch và Thụy Điển.
Sự phân hoá giàu nghèo khiến nhiều người Mỹ biểu tình đòi có thêm việc làm (ảnh: Internet) |
Theo Tổng Giám đốc OECD Angel Gurria, báo cáo này cho thấy “Khế ước xã hội” đang bắt đầu phân tách xã hội thành nhiều giai tầng và sự phân tách này đang ngày một cách sâu sắc.
Lợi ích của tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia không tự động làm thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong xã hội.
OECD kêu gọi chính phủ các nước cần nhanh chóng có hành động để giải quyết những bất bình đẳng ngày càng tăng trong xã hội.
“Khế ước xã hội” trong triết học và chính trị học là một học thuyết mô tả việc con người cùng thỏa thuận từ bỏ trạng thái tự nhiên để xây dựng cuộc sống cộng đồng.
Về mặt luật pháp, “Khế ước xã hội” thể hiện cụ thể là một bản hợp đồng, các truyền thống, các giá trị xã hội - bình đẳng, nhân ái, tự trọng, trách nhiệm, quyền sở hữu, quyền con người, cách hành xử, ăn mặc... trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau./.