Phản ứng của Đức về việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

VOV.VN - Thủ tướng Đức Olaf Scholz công khai chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này muốn trở thành thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

“Tôi rất giận dữ về việc này”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu với các phóng viên ở New York sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Nhà lãnh đạo Đức tin rằng SCO “không phải là một tổ chức có đóng góp quan trọng cho sự chung sống tốt đẹp trên toàn cầu”.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói rằng ông không muốn lựa chọn giữa Đông và Tây. Ông cũng không nợ EU lời giải thích về tất cả các quyết định của ông. Mặt khác ông Erdogan chỉ trích EU vì đã để Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoài khối suốt hàng chục năm.

Ankara nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1987 và được trao tư cách ứng cử viên vào năm 1999, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ đó.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan tuần trước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách gia nhập tổ chức này.

“Mối quan hệ của chúng tôi với các nước này sẽ chuyển sang một vị thế rất khác với bước đi sắp tới”, Tổng thống Erdogan phát biểu với các phóng viên hôm 17/9.

Khi được hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đang tìm cách chính thức gia nhập SCO hay không, ông Erdogan trả lời: “Tất nhiên, đó là mục tiêu của chúng tôi”. Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ “lịch sử và văn hóa” với lục địa châu Á và muốn đóng vai trò trong SCO – tổ chức chiếm hơn 30% GDP toàn cầu.

SCO được thành lạp năm 2001, là một liên minh hội nhập kinh tế và xây dựng lòng tin. Các thành viên SCO hiện bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, India, Pakistan, và gần đây nhất là Iran. Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số nước khác được coi là “đối tác đối thoại” của SCO./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên