Phản ứng đầu tiên của châu Âu trước việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine
VOV.VN - Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu đều có chung phản ứng, đó là chỉ trích hành động quân sự của Nga, cho rằng cuộc chiến mà Nga phát động đe dọa nghiêm trọng an ninh tại châu Âu.
Nhiều quan chức châu Âu đồng loạt ra tuyên bố chỉ trích quyết liệt hành động quân sự của Nga tại Ukraine, cho rằng đây là sự vi phạm đối với luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền của Ukraine, đe dọa sinh mạng của hàng nghìn người dân và binh sĩ hai quốc gia Nga và Ukraine.
Trong phản ứng đầu tiên từ quan chức các nước phương Tây, Đại sứ Anh tại Ukraine, bà Melinda Simmons khẳng định “một cuộc tấn công hoàn toàn không do bị khiêu khích đang diễn ra trên đất Ukraine và tình hình thực sự đáng sợ. Đây là một cú sốc mặc dù ai cũng đã chuẩn bị và nghĩ về kịch bản này từ nhiều tháng qua”.
Vài phút sau khi các hành động quân sự đầu tiên của Nga được tiến hành, khối quân sự NATO đã ra thông cáo, chỉ trích cuộc tấn công của Nga là vô căn cứ và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Ukraine, kêu gọi Nga lập tức dừng hành động này. Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cũng cho rằng Nga đã phớt lờ các nỗ lực ngoại giao, khi cho rằng tuyên bố mở chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được ghi hình từ tối ngày 21/02. Ông Jens Stoltenberg cho biết, NATO sẽ họp ngay lập tức để đưa ra câu trả lời thống nhất cho hành động của Nga.
Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu đều có chung phản ứng, đó là chỉ trích hành động quân sự của Nga, cho rằng cuộc chiến mà Nga phát động đe dọa nghiêm trọng an ninh tại châu Âu, khiến châu Âu đối mặt cuộc chiến lớn nhất từ sau Thế chiến II và làm thay đổi trật tự thế giới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng khẳng định, châu Âu sẽ buộc Nga “phải trả giá” cho hành động quân sự này. Thủ tướng Anh, Boris Johnson đăng tin trên Twitter, cho biết đã thảo luận với Tổng thống Ukraine, Zelensky về những hành động tiếp theo.
Lãnh đạo 27 nước EU sẽ có cuộc họp khẩn cấp tại Brussels vào tối 24/02 để thảo luận tình hình Ukraine, trong đó trọng tâm sẽ là các gói trừng phạt mở rộng hơn nhằm vào Nga. Tuy nhiên, trước các diễn biến mới nhất tại Ukraine, cuộc họp có thể được đẩy lên sớm hơn. Trước đó, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell đã nhiều lần khẳng định, ngay khi Nga leo thang quân sự tại Ukraine, EU sẽ công bố thêm các trừng phạt mới. Hiện tại, so với Mỹ và Anh, gói trừng phạt của EU đã được xem là nghiêm trọng hơn, khi nhằm vào hàng trăm nghị sĩ, chính trị gia, quan chức quân sự cấp cao cũng như nhiều ngân hàng tại Nga.
Trong ngày 23/02, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng đã tiếp Thủ tướng Na Uy để bàn về việc cung ứng khí đốt cho châu Âu một khi nguồn cung từ Nga gián đoạn. Do đó, châu Âu có thể cũng sẽ đưa ra biện pháp trừng phạt lớn hơn là ngưng tất cả việc nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, đây là hành động chắc chắn sẽ gây tổn thất kinh tế cực kỳ lớn cho chính châu Âu. Một chủ đề khác, đó là về người tị nạn. Trong hai ngày qua, nhiều quan chức châu Âu đã đến Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là có thể có tới hàng triệu người Ukraine chạy sang tị nạn tại các nước EU gần Ukraine./.