Phản ứng khác nhau trước vụ kiện sửa đổi Hiến pháp Thái Lan
Tòa Hiến pháp Thái Lan gợi ý, Quốc hội nước này nếu muốn sửa đổi toàn bộ bản Hiến pháp thì cần tổ chức trưng cầu dân ý.
Ngày 13/7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết đình chỉ vụ kiện sửa đổi Hiến pháp do phái đối lập khởi xướng. Toà cho rằng tiến trình sửa đổi Hiến pháp vừa qua không vi phạm điều 68 nhằm mục đích xóa bỏ chế độ Quân chủ lập hiến do Nhà Vua làm nguyên thủ.
Tuy nhiên, Tòa gợi ý, Quốc hội Thái Lan có thể sửa đổi một số điều của Hiến pháp hiện hành; song nếu muốn sửa đổi toàn bộ bản Hiến pháp này thì cần phải tổ chức trưng cầu ý dân.
Sau phán quyết của Toà án Hiến pháp, dư luận chính giới và xã hội Thái Lan có phản ứng khác nhau.
Cảnh sát chống bạo động Thái Lan bảo vệ bên ngoài Tòa án Hiến pháp ngày 13/7 trong khi chờ đợi phán quyết (Ảnh: Xuân Sơn ) |
Đảng Vì nước Thái cầm quyền tuyên bố chủ trương tiếp tục sửa đổi Hiến pháp, song ban lãnh đạo sẽ họp bàn vào ngày 16/7 để xem xét lựa chọn phương án trưng cầu ý dân trước để sửa đổi toàn bộ Hiến pháp 2007, hay phương án sửa đổi một số điều của Hiến pháp này.
Trong khi đó, Phe đối lập đề nghị phe Chính phủ tạm ngừng tiến trình sửa đổi toàn bộ Hiến pháp để giảm bớt mâu thuẫn, chia rẽ xã hội.
Đại diện Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết họ sẵn sàng tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp; dự kiến chi phí cho cuộc trưng cầu ý dân vào khoảng 2 tỷ baht (hơn 63 triệu USD).
Cuộc điều tra dư luận của Trung tâm nghiên cứu Đại học ABAC và Viện Dusit vừa công bố ngày 15/7 cho thấy: 91% số người được hỏi đã theo dõi phiên toà phán quyết vụ kiện sửa đổi Hiến pháp; khoảng 63% người dân chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến pháp; 72% mong muốn thúc đẩy hòa giải dân tộc; 52% ủng hộ sửa đổi một số điều của Hiến pháp; khoảng 58% đến 64% vẫn lo ngại tiếp tục xảy ra mâu thuẫn phe phái.
Đáng chú ý, có 61% người dân Thái Lan ủng hộ Thủ tướng Yingluck Shinawatra tiếp tục cầm quyền nhưng cần cải tổ Nội các. Tuy nhiên, cũng có khoảng 46% muốn Chính phủ tạm ngừng việc sửa đổi Hiến pháp để tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân./.