Phản ứng quốc tế trước vụ đảo chính tại Guinea
VOV.VN - Tổng thống Guinea Alpha Conde đã bị lực lượng đặc nhiệm của quân đội bắt giữ; thống đốc các tỉnh bị thay thế bằng các chỉ huy quân sự. Lệnh giới nghiêm đã được ban bố. Thế giới ngay lập tức đã có phản ứng trước vụ binh biến mới nhất tại châu Phi.
18h chiều nay (theo giờ Việt Nam), các bộ trưởng trong chính phủ của Tổng thống Guinea Alpha Conde đã được quân đội nước này triệu tập tới Tòa nhà Quốc hội để họp.
Phát biểu trên truyền hình, đại diện của quân đội Guinea tham gia vào cuộc đảo chính cho biết: “Chúng tôi muốn trấn an dư luận trong nước và quốc tế rằng ông Alpha Conde đang được đảm bảo an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần. Ông ấy được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Mọi thứ sẽ ổn. Các Bộ trưởng được mời tham dự một cuộc họp tại Tòa nhà quốc hội lúc 11h sáng nay (theo giờ Guinea). Trường hợp nào không tham dự sẽ coi là nổi loạn, chống lại Ủy ban Phát triển và Tập hợp Quốc gia. Một lệnh giới nghiêm được ban bố từ 20h trên toàn quốc cho đến khi có thông báo mới”.
Trong một tuyên bố trước đó, Chỉ huy nhóm đặc nhiệm tham gia đảo chính tuyên bố bắt và phế truất Tổng thống Alpha Conde; giải tán Chính phủ và sẽ viết lại Hiến pháp. Biên giới trên bộ và không phận Guinea đã bị đóng. Lý giải về hành động của mình, nhóm này tuyên bố, “tình trạng nghèo đói và nạn tham nhũng phổ biến” đã khiến quân đội phải hành động.
Tuy nhiên, thế giới đều lên án hành động tiếm quyền của nhóm các binh sĩ Guinea. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông cực lực lên án “bất kỳ sự tiếp quản chính phủ bằng vũ lực” và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Conde.
Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã gọi đây là một cuộc đảo chính có chủ đích, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Liên minh châu Phi cho biết sẽ tổ chức họp khẩn cấp để đưa ra các hành động thích hợp. Trong khi Nigeria - quốc gia có tiếng nói trong khu vực yêu cầu các bên Guinea tôn trọng Hiến pháp.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, bạo lực hay bất kỳ biện pháp ngoài phạm vi hiến pháp nào sẽ chỉ làm xói mòn triển vọng hòa bình và thịnh vượng của Guinea. Mỹ lên án những gì đang xảy ra ở thủ đô Conakry.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell kêu gọi lực lượng làm binh biến trả tự do cho Tổng thống Alpha Conde, hối thúc các bên hành động trên cơ sở tôn trọng luật pháp, hòa bình và sự yên ổn của người dân Guinea.
Hiện hành động đảo chính nhận được phản ứng trái chiều từ người dân Guinea, nhiều người lo sợ bất ổn sẽ gia tăng, song cũng có nhiều người đổ ra đường ăn mừng. Giới nhân quyền cho rằng, Tổng thống Alpha Conde là người đã làm việc vì nền dân chủ trong nhiều nặm; nhưng cũng chính ông đã phá hoại điều đó khi sửa đổi Hiến pháp để ra tranh cử và đắc cử nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 10 năm ngoái./.