Pháp bác bỏ các cáo buộc của phe đảo chính tại Niger
VOV.VN - Chính phủ Pháp, ngày 9/8, đã mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc từ phía lực lượng đảo chính tại Niger cho rằng quân đội nước này xâm phạm không phận Niger và thả tự do cho các phần tử khủng bố.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của chính quyền quân sự do phe đảo chính lập nên tại Niger, Amadou Abdramane đã cáo buộc máy bay pháp xâm phạm trái phép không phận Niger: "Chính quyền Pháp đã ra lệnh cất cánh một máy bay quân sự A400M từ N'Djamena, Cộng hòa Chad, vào lúc 6:01 sáng giờ địa phương. Chiếc máy bay này đã tự ý cắt đứt mọi liên lạc với kiểm soát không lưu của chúng tôi từ 6:39 đến 11:15 sáng giờ địa phương".
Trong một thông cáo báo chí chung, Bộ Ngoại giao và Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp khẳng định việc máy bay nước này xuất hiện trên không phận Niger ngày 9/8 là một phần của thỏa thuận hợp tác và phối hợp với các lực lượng Niger, đồng thời nhấn mạnh các thỏa thuận này đều được xác nhận bằng các văn bản cụ thể.
Cũng trong thông cáo báo chí này, Pháp cũng bác bỏ việc chính quyền quân sự do phe đảo chính lập nên cáo buộc nước này thả tự do cho 16 phần tử khủng bố nhằm mục đích phá hoại an ninh và sự ổn định của Niger, nhất là trong bối cảnh Pháp đã và đang chống lại các lực lượng hồi giáo khủng bố tại Sahel trong nhiều năm qua.
Paris cũng khẳng định rằng đây là một động thái đánh lạc hướng của lực lượng đảo chính Niger, vào thời điểm mà "Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đang đẩy mạnh các nỗ lực hòa giải nhằm khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger".
Trước đó hôm 4/8, Pháp cũng bác bỏ các tuyên bố của lực lượng đảo chính tại Niger về việc chấm dứt thỏa thuận hợp tác quân sự được ký kết giữa Pháp và các chính phủ Niger trước đây. Pháp nhấn mạnh các thoả thuận hợp tác an ninh và quân sự giữa Pháp và Niger đều được xây dựng trên cơ sở pháp lý hợp pháp. Do đó, chỉ có các chính phủ hợp hiến tại Niger mới có quyền đưa ra các quyết định về sự tồn tại của các thỏa thuận này.
Pháp vẫn duy trì khoảng 1.500 binh sĩ tại Niger để thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố và Hồi giáo thánh chiến tại khu vực Sahel.