Pháp cải tổ nội các: Thanh lọc nội bộ hơn là thay đổi thực chất
VOV.VN - 3 vị trí được thay đổi là 3 gương mặt vốn thuộc phe chống đối Thủ tướng Manuel Valls trong chính phủ cũ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chính phủ Pháp quyết định cải tổ nội các vào thời điểm này. Trước hết và trực tiếp nhất, là mâu thuẫn nội tại của đảng Xã hội (PS) cầm quyền, cụ thể ở đây là mâu thuẫn giữa một số Bộ trưởng với ông Hollande và ông Manuel Valls. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Monterbourg đã công khai chỉ trích trên báo chí Pháp chính sách kinh tế của chính phủ Pháp.
Đây là giọt nước làm tràn ly bởi từ trước đó khá lâu trong nội bộ chính phủ Pháp vẫn tồn tại nhiều phe phái, một bên là ông Valls và bên kia là các ông Montebourg, ông Benoit Hamon-Bộ trưởng Giáo dục và bà Filipetti – Bộ trưởng Văn hóa. Những người này vốn là đối thủ cũ của ông Valls trong nội bộ đảng Xã hội, họ chỉ lập liên minh với ông Valls cách đây vài tháng để hất cẳng cựu Thủ tướng Jean Marc Ayrault nên về sâu xa, giữa họ đã luôn có mâu thuẫn, nhất là giữa ông Montebourg và ông Valls. Mâu thuẫn này, cộng thêm bất mãn của vài Bộ trưởng Pháp về đường lối kinh tế của chính phủ khiến cuộc khủng hoảng bùng nổ và để siết lại đội ngũ, ông Hollande và ông Valls buộc phải thực hiện cải tổ nội các.
Nguyên nhân thứ hai quan trọng không kém, đó là tình hình kinh tế Pháp quá u ám khiến chính quyền của ông Hollande phải thay đổi để làm giảm sức ép và sự phẫn nộ của dân chúng và các đảng đối lập. Cách đây hơn 1 tuần thì con số thống kê công bố cho thấy kinh tế Pháp trong quý II có mức tăng 0%, tức nền kinh tế không có tăng trưởng. Đây là ranh giới cuối cùng của suy thoái. Sau hơn 2 năm có chính quyền mới, người dân Pháp đang rất chán nản, các đảng đối lập thì liên tục đòi các quan chức chính phủ từ chức vì điều hành yếu kém. Để xoa dịu dư luận, ông Hollande và ông Valls buộc phải có những động thái thay đổi, mà ở đây chính là việc gạt bỏ một số vị trí chủ chốt vốn bị chỉ trích nhiều và thay những Bộ trưởng này bằng những gương mặt khác ít phản kháng hơn.
Mục tiêu lớn nhất của ông Hollande và ông Valls về kinh tế trong thời gian tới là đưa “Hiệp ước trách nhiệm”, một thỏa hiệp giữa chính phủ với giới chủ và công đoàn, vào thực thi để làm tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Pháp. Tuy nhiên, Hiệp ước này lại bị chỉ trích là quá nhượng bộ giới chủ nên khiến nhiều Bộ trưởng trong nội các cũng phản đối. Đó là lí do ông Hollande và ông Valls phải nhanh chóng cải tổ nội các để tiếp tục theo đuổi mục tiêu này
Vị trí được chú ý nhất trong chính phủ mới đương nhiên là chức Bộ trưởng Kinh tế của ông Arnaud Montebourg, không chỉ vì ông Montebourg chính là người châm ngòi cho đợt thay đổi nội các lần này mà còn vì đây là chức danh vô cùng quan trọng trong bối cảnh nền tình hình kinh tế Pháp đang rất bế tắc. Người được chọn thay ông Montebourg là bà Emmanuel Macron. Đây là một nhân vật còn ít được biết đến trước công luận nhưng lại là một trong những người có ảnh hưởng nhất sau hậu trường. Ông Macron được coi là nhân vật “hữu” nhất trong phái tả, là người theo đuổi quyết liệt trường phái kinh tế tự do và được xem là người đã có tác động quyết định đến việc Tổng thống Francois Hollande thay đổi chính sách kinh tế theo trường phái tự do từ hơn nửa năm nay. Việc Bà Macron chính thức nắm Bộ kinh tế và công nghiệp khẳng định là giờ đây đường lối kinh tế tự do đã hoàn toàn thắng thế trong nội các mới. Điều này rất quan trọng bởi có nghĩa là chính phủ mới sẽ tiếp tục mạnh tay hơn trong các thay đổi về chính sách kinh tế theo hướng thị trường tự do, ưu tiên giới chủ…
Vị trí thứ hai được quan tâm là Bộ trưởng Giáo dục. Người được chọn thay ông Benoit Hamon là một gương mặt cũ, bà Najat Vallaud-Belkacem, vốn cũng đang là Bộ trưởng trong chính phủ. Bà Najat từng là Bộ trưởng nữ quyền, người phát ngôn của chính phủ rồi làm Bộ trưởng thanh niên và thể thao. Đây là gương mặt nữ nổi trội nhất của đảng Xã hội hiện nay, còn rất trẻ - 36 tuổi, và được xem là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong chính quyền của ông Hollande.
Thay đổi tiếp theo được quan tâm là Bộ trưởng Văn hóa. Nữ Bộ trưởng Filipetti, người đứng về phe các ông Montebourg và Benoit Hamon, được thay bằng một nữ Bộ trưởng khác là bà Fleur Pellerin. Bà Pellerin cũng là gương mặt quen thuộc vì từng là Quốc vụ khanh phụ trách về công nghệ số rồi Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương. Việc bà Pellerin được chọn thay bà Filipetti được cho là để đảm bảo sự cân bằng nam-nữ trong nội các, một điều mà ông Hollande luôn cam kết sẽ thực hiện."
Ở lần thay thủ tướng cách đây 5 tháng, Tổng thống Hollande muốn tạo nên một chính phủ “chiến đấu”, ở lần này ông tuyên bố muốn có một chính phủ “đoàn kết thông suốt” và… Giới phân tích chính trị ở Pháp nhận định sẽ khó có những thay đổi chính sách đột phá trong thời gian trước mắt mà chính phủ mới của ông Valls sẽ vẫn tập trung theo đuổi các chính sách đã nêu ra trong thời gian qua nhưng bị tranh cãi, phản đối, cụ thể là “Hiệp ước trách nhiệm” được cho là ưu ái giới chủ. Trên thực tế, lần thay đổi nội các này có ý nghĩa là một cuộc thanh lọc nội bộ hơn là thay đổi hẳn mục tiêu bởi chỉ có 4 Bộ trưởng và 4 Quốc vụ khanh bị thay hoặc đổi vị trí, phần lớn các vị trí khác đều được giữ nguyên.
Tuy nhiên, sau mỗi lần thay đổi như thế này, sức ép sẽ lại càng lớn hơn với chính quyền của ông Hollande và nội các của ông Manuel Valls. Ngay trước mắt, nội các mới sẽ đối mặt với một loạt các vấn đề gai góc sau kỳ nghỉ, như tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng, thuế vẫn nặng, cải cách lịch học ở các cấp phổ thông hay việc thay đổi và sát nhập các địa phương…
Thay đổi luôn đòi hỏi phải có kết quả, thế nên ông Manuel Valls đã hé lộ chính phủ của ông sẵn sàng chấp nhận đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm từ giờ cho đến cuối năm. Nếu cuộc bỏ phiếu đó thất bại, khả năng giải tán quốc hội là khá lớn và khi đó nước Pháp sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị thực sự./.