Pháp cam kết hỗ trợ cho Ukraine bất chấp kết quả bầu cử Quốc hội trước thời hạn
VOV.VN - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/6 cam kết sẽ duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine trong dài hạn bất chấp nguy cơ phải chia sẻ quyền lực sau cuộc bầu cử Quốc hội Pháp trước thời hạn cuối tuần này với ưu thế đang nghiêng về các lực lượng đối lập. Ông Macron đồng thời cũng đảm bảo quân đội Pháp sẽ không phải triển khai tại Ukraine trong nay mai.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/6 đã có cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Paris để chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra từ ngày 9-11/7 tới tại Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung tại điện Elysées, Tổng thống Pháp Macron cho biết xung đột Nga-Ukraine và việc duy trì hỗ trợ an ninh cho Ukraine sẽ là chủ đề ưu tiên hàng đầu của Hội nghị.
Người đứng đầu nước Pháp nhấn mạnh các thành viên NATO thuộc châu Âu cần phải cho đồng minh Mỹ thấy những tiến triển trong lộ trình gia nhập châu Âu của Ukraine cũng như vị trí của Kiev trong NATO sẽ góp phần cho an ninh xuyên Đại Đại Dương.
Tổng thống Pháp Macron tái khẳng định sẽ nỗ lực duy trì sự hỗ trợ dài hạn cho Ukraine bất chấp kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra cuối tuần này có thể buộc người đứng đầu nước Pháp phải chia sẻ bớt quyền lực với Thủ tướng mới ít ủng hộ Ukraine hơn.
“Sự hỗ trợ của Pháp dành cho Ukraine vẫn và sẽ không đổi. Pháp sẽ tiếp tục nỗ lực để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Ukraine, cũng như truyền tải thông điệp về quyết tâm rõ ràng sẽ sát cánh cùng Ukraine trong dài hạn”, Tổng thống Macron nhấn mạnh.
Trong cuộc trả lời trực tuyến trên đài TF1 ngay trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine cách biên giới Pháp 1.500km có liên quan trực tiếp đến an ninh châu Âu và nước Pháp. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp đảm bảo chiến tranh sẽ không lan rộng đến nước Pháp cũng như việc triển khai quân đội Pháp tại Ukraine sẽ không xảy ra tại thời điểm hiện tại.
Bên cạnh chủ đề Ukraine, Tổng thống Pháp và Tổng thư ký NATO thống nhất Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ bàn sâu về vấn đề tăng cường năng lực quốc phòng của NATO, việc chia sẻ gánh nặng an ninh giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu và trong tương lai châu Âu cần phải tự đảm bảo an ninh cho chính mình, thúc đẩy quan hệ NATO với EU cũng như với các đối tác thuộc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.