Pháp có trang bị đủ “vũ khí” trong cuộc chiến với Covid-19?

VOV.VN - Pháp đang thiếu trầm trọng khẩu trang y tế, trong khi không thể đáp ứng được nhu cầu được xét nghiệm của người dân giữa tâm bão Covid-19.

Khẩu trang y tế và việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đang là hai vấn đề được người dân Pháp quan tâm. Với một quốc gia phát triển như Pháp, đáng ra điều đó phải sẵn sàng và đủ cho người dân sử dụng khi cần thiết.

Tuy nhiên, Chính phủ Pháp luôn khẳng định việc đeo khẩu trang không có tác dụng đối với người có sức khỏe bình thường và việc xét nghiệm cũng chỉ dành cho những người có triệu chứng và đã phải nhập viện. Liệu nước này có đang dùng lập luận "dựa trên cơ sở khoa học" để che giấu sự thiếu thốn trầm trọng này?

Ảnh minh họa.

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã tấn công toàn bộ lãnh thổ Pháp, không trừ một khu vực nào, kể cả các vùng lãnh thổ hải ngoại. Cơ quan chức năng Pháp dần thừa nhận sự lây lan rộng rãi của virus SARS-CoV-2 trên toàn lãnh thổ. Nhiều ổ dịch xuất hiện và cứ thế lan rộng ra các nơi khác.

Trong chính Quốc hội Pháp, ít nhất là 18 nghị sỹ và nhân viên đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi nhiều trường hợp chưa được xét nghiệm. Trụ sở Quốc hội Pháp vì vậy mà có thể được coi là một ổ dịch Covid-19, với khoảng 4%, trong tổng số 577 nghị sỹ, dương tính với SARS-CoV-2, chưa tính các ca tiếp xúc gần với những ca dương tính, có thể ở trong hoặc ngoài Quốc hội.

Nếu xét về tỉ lệ người nhiễm thì Quốc hội Pháp có thể được coi là một trong những ổ dịch lớn nhất nước Pháp. Chính Chủ tịch Quốc hội Pháp, ông Richard Ferrand thừa nhận trên báo chí rằng "đã có một ổ dịch trong Quốc hội Pháp cách đây 2 tuần, trước khi Quốc hội tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19".

Thời điểm đầu mùa dịch, Chính phủ Pháp liên tục khẳng định có đủ số khẩu trang cho nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, giờ đây ai cũng thấy, khẩu trang y tế tại Pháp là thiếu thốn như thế nào.

Lý do gì mà Chính phủ Pháp phải ra sắc lệnh trưng dựng toàn bộ mặt hàng khẩu trang tại các hiệu thuốc trên toàn quốc, cho đến hết ngày 31/5? Để rồi sau đó người dân có muốn mua, dù chỉ 1 chiếc khẩu trang, cũng không biết ở đâu bán? Và bỗng nhiên, một ngày, người ta nghe thấy lãnh đạo cơ quan y tế và lãnh đạo Chính phủ Pháp nói rằng, theo các nhà khoa học, khẩu trang không có tác dụng đối với người bình thường, chỉ người có triệu chứng của bệnh cúm mới nên dùng khẩu trang, và khẩu trang nên được ưu tiên cho nhân viên y tế.

Như vậy, những người có triệu chứng nhẹ của virus Sars-CoV-2 hoặc bị cúm thông thường, được cách ly tại nhà, không phải là người được khuyên dùng khẩu trang y tế, ngay cả khi người này ở trong một gia đình đông người. Đương nhiên người này cũng chưa thuộc diện được xét nghiệm Sars-CoV-2. Đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều trường hợp tương tự. Vậy, cơ sở nào để ngăn virus SARS-CoV-2 phát tán?

Kể từ khi bước vào giai đoạn chính thức công bố dịch, ước tính mỗi tuần nước Pháp cần tới 50 triệu chiếc khẩu trang y tế, thay vì khoảng 4 triệu đến 5 triệu chiếc trong thời gian trước. Cách đây 2-3 ngày, Chính phủ Pháp đã thông báo chuyển hàng chục triệu chiếc khẩu trang cho các bệnh viện, các phòng khám, hiệu thuốc, các bác sĩ hoạt động tự do... Chưa tính đến 1 triệu chiếc khẩu trang mà Trung Quốc tặng Pháp hôm 18/3.

Tuy nhiên, số lượng này có đáp ứng được nhu cầu không? Cứ theo dõi những phàn nàn, lo lắng của đội ngũ y tế được báo chí Pháp phản ánh hàng ngày mới thấy, thiếu vẫn hoàn thiếu. Có điều lạ, đến tận tối 19/3, khi mà nước Pháp đã ghi nhận tới gần 11 nghìn ca nhiễm SARS-CoV-2, hơn 370 ca tử vong, số ca nhiễm cứ 4 ngày lại tăng gấp đôi, ông Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế - Bộ Y tế Pháp vẫn khẳng định "không nên đeo khẩu trang nếu không bị ốm" và "không nên đeo khẩu trang nếu không phải nhân viên chăm sóc y tế".

Trong khi, ở châu Á, hầu hết các nước đều khuyến cáo người nhân nên đeo khẩu trang khi ra đường, ở chỗ đông người, được đánh như một biện pháp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 một cách hiệu quả, thì ở châu Âu, tại một quốc gia phát triển như Pháp, cơ quan y tế lại khuyến cáo người dân làm điều ngược lại.

Nói tới việc xét nghiệm để xác định có nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Thời gian đầu, khi Trung Quốc đang vật lộn với Covid-19 thì ở Pháp chỉ một vài trường hợp có biểu hiện, hầu hết là những người từ Vũ Hán trở về hoặc khách du lịch từ Vũ Hán đến. Nước Pháp tiến hành xét nghiệm với toàn bộ các trường hợp này, nhờ đó mà phát hiện các ca nhiễm đầu tiên.

Khi dịch bùng phát dần, nhu cầu người dân tăng cao, các bệnh viện bắt đầu cảm thấy áp lực. Sau một thời gian ngắn đáp ứng nguyện vọng được xét nghiệm của phần lớn người dân, các bệnh viện đã quá tải và chỉ còn xét nghiệm cho các ca bệnh có triệu chứng nặng, sau đó chỉ xét nghiệm cho các ca nặng và đã nhập viện. Toàn bộ những người có biểu hiện nhẹ hoặc không có biểu hiện nhưng có nhu cầu xét nghiệm, đều được khuyên nên cách ly tại nhà và theo dõi.

Thời điểm đó, nước Pháp đương nhiên đã nhận thức được rõ mối nguy từ SARS-CoV-2 và nỗ lực để loại virus không lan nhanh. Nhưng liệu có thực sự khoa học khi để một người có triệu chứng nhẹ tự cách lý tại nhà, không được xét nghiệm, không biết người đó có nhiễm virus hay không?

Trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi hay các trung tâm sinh hoạt của giới trẻ, nếu không biết ai đó có nhiễm SARS-CoV-2 hay không (để cách ly) thì liệu có an toàn, có tránh được nguy cơ loại virus này lây lan? Vì sao nước Pháp không đáp ứng nhu cầu được xét nghiệm của người dân, câu trả lời chỉ có thể là do thiếu, thiếu công cụ xét nghiệm và thiếu cả nhân viên y tế thực hiện nữa.

Và rồi đến một ngày, nước Pháp chính thức công bố dịch, cơ quan y tế nước này khẳng định, việc xét nghiệm không có tác dụng đối với những ca bệnh nhẹ, những ca không cần nhập viện. Nước này mặc định, những người có triệu chứng của bệnh cúm là những người nhiễm SARS-CoV-2. Tính đến ngày 19/3, mỗi ngày, Pháp chỉ xét nghiệm cho 4.000 trường hợp, tính từ khi triển khai xét nghiệm, mới chỉ có tổng cộng 50.000 trường hợp.

Trong khi đó, nếu nhìn sang châu Á, Hàn Quốc chẳng hạn, chính quyền nước này đã tiến hành xét nghiệm cho hàng trăm nghìn người dân. Cùng với các biện pháp y tế nghiêm ngặt khác, Hàn Quốc đang trên đà dần khống chế được dịch bệnh. Nhưng tại Pháp, bao giờ dịch bệnh được khống chế? không ai có câu trả lời khi mà người dân không được xét nghiệm, Chính phủ thì áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc một cách nửa vời (phương tiện công cộng vẫn hoạt động, người lao động vẫn đi làm, người dân vẫn đi chợ, đi tập thể dục...).

Nói cho cùng, câu chuyện xét nghiệm hay không nhằm mục đích chính là cách ly người mắc bệnh. Một người bệnh (dù biểu hiện nhẹ hoặc không biểu hiện gì) không được xét nghiệm, không biết bản thân nhiễm virus hay không, không được cách ly trong không gian riêng thì làm sao tránh được sự lây lan, ít nhất là trong gia đình họ. Rồi sau đó, họ ra ngoài đi chợ, đi tập thể dục, đi làm, ai dám chắc họ sẽ luôn tuân thủ khoảng cách tối thiểu 1 m trong siêu thị như nhà chức trách luôn khuyến cáo, không tiếp xúc gần với một người khác... Nguy cơ đầy rẫy.

Tóm lại, có lẽ đã đến lúc, thay vì nghe theo những lập luận của những nhà dịch tễ học về tác dụng của chiếc khẩu trang hay việc xét nghiệm trong bệnh viên, để che đậy thực trạng thiếu thốn đủ đường, thì nước Pháp có lẽ nên áp dụng các biện pháp cách ly triệt để người bệnh, như những gì các nước châu Á đang làm, mới có hy vọng chiến thắng, trong cuộc đối đầu với Covid-19, cuộc đối đầu mà Tổng thống nước này coi là một cuộc chiến tranh thực sự. Nếu không, sự "giả tạo" (từ ngữ mà chính cựu Bộ trưởng Y tế, bà Agnès Buzin, đã dùng để chỉ trích thái độ của Chính phủ Pháp trước dịch Covid-19), sẽ còn tiếp tục./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Pháp tăng cường các biện pháp chống lây lan virus Corona
Pháp tăng cường các biện pháp chống lây lan virus Corona

VOV.VN - Pháp đã ghi nhận 3 ca nhiễm virus Corona, một ca tại Bordeaux và hai ca tại thủ đô Paris.

Pháp tăng cường các biện pháp chống lây lan virus Corona

Pháp tăng cường các biện pháp chống lây lan virus Corona

VOV.VN - Pháp đã ghi nhận 3 ca nhiễm virus Corona, một ca tại Bordeaux và hai ca tại thủ đô Paris.

Tổn thất vì dịch Covid-19 tăng nhanh, Pháp thiếu khẩu trang trầm trọng
Tổn thất vì dịch Covid-19 tăng nhanh, Pháp thiếu khẩu trang trầm trọng

VOV.VN - Mặc dù đang trong giai đoạn phong tỏa toàn quốc nhưng Chính phủ Pháp vẫn kêu gọi người lao động đi làm để đảm bảo đất nước được vận hành liên tục. 

Tổn thất vì dịch Covid-19 tăng nhanh, Pháp thiếu khẩu trang trầm trọng

Tổn thất vì dịch Covid-19 tăng nhanh, Pháp thiếu khẩu trang trầm trọng

VOV.VN - Mặc dù đang trong giai đoạn phong tỏa toàn quốc nhưng Chính phủ Pháp vẫn kêu gọi người lao động đi làm để đảm bảo đất nước được vận hành liên tục. 

Pháp phạt hơn 4.000 người vi phạm lệnh phong tỏa trong ngày đầu tiên
Pháp phạt hơn 4.000 người vi phạm lệnh phong tỏa trong ngày đầu tiên

VOV.VN - Cảnh sát Pháp đã phạt hơn 4.000 trường hợp vi phạm lệnh yêu cầu ở nhà, trong ngày đầu tiên phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn dịch Covid-19.

Pháp phạt hơn 4.000 người vi phạm lệnh phong tỏa trong ngày đầu tiên

Pháp phạt hơn 4.000 người vi phạm lệnh phong tỏa trong ngày đầu tiên

VOV.VN - Cảnh sát Pháp đã phạt hơn 4.000 trường hợp vi phạm lệnh yêu cầu ở nhà, trong ngày đầu tiên phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn dịch Covid-19.