Pháp đẩy mạnh trục xuất các phần tử cực đoan
VOV.VN - Vấn đề nhập cư và trục xuất các phần tử có tư tưởng cực đoan trở thành chủ đề nóng tại Pháp do những nghi ngại về an ninh, nhất là sau chiến dịch giải cứu tại Afghanistan và trong bối cảnh Pháp chuẩn bị xét xử vụ khủng bố tại nhà hát Bataclan do các phần tử cực đoan thực hiện năm 2015.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, kể từ năm 2018, Pháp đã trục xuất tổng cộng 636 người nước ngoài có tư tưởng cực đoan và sống bất hợp pháp, trong đó, riêng năm 2020 là 450 đối tượng. Bộ Nội vụ Pháp cũng đã lập Hồ sơ cảnh báo phòng chống khủng bố cực đoan, lưu giữ thông tin của 22.000 đối tượng có xu hướng cực đoan hoá, trong đó 1/4 là người nước ngoài.
Trong số này, 180 người đã bị xét xử, giam giữ trong các nhà tù tại Pháp cùng một số khác đang bị quản thúc trong các trung tâm tạm giữ hành chính để chờ bị trục xuất. Phần lớn các đối tượng theo xu hướng cực đoan có nguồn gốc từ Nga và một số nước Bắc Phi gồm Ma Rốc, Tunisia, Algeria.
Phát biểu trên kênh truyền hình Europe 1, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Công dân trực thuộc Bộ Nội vụ, bà Marlène Schiappa, cho biết: “Chính phủ đã triển khai tất cả các hành động cần thiết, trong đó triển khai nhiều luật phòng chống khủng bố. Trong mùa hè vừa bổ sung thêm luật an ninh nội địa và chống khủng bố nhằm tăng cường hơn nữa vấn đề giám sát để lường trước và phòng tránh các vụ khủng bố, trong đó nhiều vụ đã bị triệt phá”.
Tuy nhiên, việc trục xuất một người nước ngoài dù sống bất hợp pháp không hề đơn giản do những quy định ràng buộc về mặt pháp luật, nhất là việc phải xác định chính xác danh tính và quốc tịch cùng như nhiều thủ tục hành chính liên quan cũng phải có sự phối hợp từ quốc gia đồng ý tiếp nhận.
Chủ đề về nhập cư và an ninh liên quan xu hướng cực đoan đang nóng lên tại Pháp sau khi nước này đồng ý tiếp nhận tỵ nạn hơn 2.500 người Afghanistan cũng như trong bố cảnh chỉ còn 3 ngày nữa, Pháp sẽ đưa ra xét xử vụ khủng bố tại nhà hát Bataclan ở thủ đô Paris vào tháng 11/2015, khiến 90 người thiệt mạng.
Ứng viên chạy đua tranh cử Tổng thống Pháp sắp tới, bà Valerie Pécresse cho rằng, cần xem xét lại vấn đề nhập cư và khởi động lại chính sách trục xuất khẩn cấp từng được Pháp thực hiện trong những năm 80 của thế kỷ trước. Vào thời điểm đó, mỗi năm, Pháp trục xuất từ 1.000-1.500 đối tượng được đánh giá là có nguy cơ đe doạ và gây rối về an ninh đối với nước Pháp./.