Pháp đối mặt với dịch ban đỏ truyền nhiễm
VOV.VN - Nước Pháp đang phải đối mặt với dịch ban đỏ nhiễm khuẩn do virus parvovirus B19 gây ra, khiến 5 trẻ em Pháp thiệt mạng kể từ đầu năm 2024.
Ngoài Pháp, nhiều quốc gia châu Âu khác như Đan Mạch, Ireland, Hà Lan hay Nauy cũng đang ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm parvovirus B19.
Trong thông cáo đưa ra đầu tuần, Cơ quan Y tế công Pháp đã cảnh báo về sự gia tăng số ca nhiễm parvovirus B19 gây ra dịch ban đỏ nhiễm khuẩn và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em. Theo cơ quan này, bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn bắt đầu xuất hiện tại Pháp từ tháng 5/2023 khi số ca nhi phải nhập viện tăng bất thường tại bệnh viện Necker ở Paris.
Kể từ đầu năm 2024, số ca nhiễm đã tăng mạnh với khoảng 100 trẻ em dưới 15 tuổi phải đến phòng cấp cứu mỗi tuần vì nghi ngờ nhiễm parvovirus B19, so với chưa đến 10 trẻ em vào cùng kỳ năm ngoái. Tính đến nay, đã có 5 trẻ em chết vì ban đỏ nhiễm khuẩn và là con số cao bất thường so với tỷ lệ tử vong trung bình hàng năm là 1,8. Các ca tử vong đều rơi vào các bé dưới 1 tuổi, bị ức chế miễn dịch và trẻ sơ sinh do người mẹ đã bị lây nhiễm trước đó.
Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn thường được gọi là “bệnh thứ năm” về ngoại ban nhiễm trùng cùng với các bệnh sởi, rubella, sốt tinh hồng cầu, thủy đậu và bệnh ban đỏ, do vi khuẩn Parvovirus B19 gây ra, thường diễn ra vào mùa Xuân và gây phát ban ở trẻ em. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp (giọt nhỏ, hắt hơi, v.v.) và thường lành tính. Ở trẻ em, bệnh gây sốt nhẹ, nhức đầu hoặc cảm lạnh, phát ban trên cơ thể và mặt trẻ nổi mẩn đỏ đặc trưng ở má.
Tuy nhiên, parvovirus B19 có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với những người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh thiếu máu mãn tính cũng như đối với phụ nữ mang thai vì virus có thể lây nhiễm trực tiếp sang thai nhi.
Hiện nguyên nhân của dịch ban đỏ nhiễm khuẩn vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng các chuẩn đoán đều cho rằng có thể liên quan đến việc dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa y tế sau các làn sóng dịch Covid-19. Việc ít tiếp xúc với parvovirus B19 trong thời gian giãn cách và phong toả đã khiến hệ miễn dịch của con người dễ bị tổn thương và lây nhiễm hơn sau khi trở lại nhịp sống bình thường.
Cơ quan Y tế công Pháp cho biết các quốc gia khác như Đan Mạch, Ireland, Hà Lan hay Na Uy cũng đang chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm parvovirus B19.