Pháp đối mặt với thách thức an ninh
(VOV) - Ngày 24/3, Cơ quan đại diện ngoại giao Pháp tại Yemen lại trở thành mục tiêu của các tay súng.
Chỉ vài giờ sau khi Đại sứ quán Pháp tại Lybia bị tấn công, ngày 24/3, Cơ quan đại diện ngoại giao Pháp tại Yemen lại trở thành mục tiêu của các tay súng. Các vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh, quân đội Pháp đang ngày càng thể hiện vai trò trong nhiều cuộc khủng hoảng tại khu vực, mà mới đây nhất là tại Mali.
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, ngày 24/3, có nhiều tiếng súng vang lên gần Đại sứ quán nước này ở thủ đô Sanaa của Yemen. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, nước này đang cẩn trọng theo dõi tình hình ở Yemen.
Đại sứ quán Pháp tại Lybia sau vụ đánh bom (Ảnh BBC) |
Ngoại trưởng Fabius nhấn mạnh: “Chúng tôi đã yêu cầu phía Lybia nhanh chóng mở cuộc điều tra nhằm xác định thủ phạm vụ tấn công. Chúng tôi cũng cảm ơn Chinh phủ Lybia vì tình đoàn kết và sự ủng hộ của họ”.
Vụ đánh bom xe nhằm vào Đại sứ quán Pháp tại Lybia xảy ra sáng ngày 24/3, theo giờ địa phương. Một chiếc xe đỗ ngoài cổng chính tòa nhà Đại sứ quán phát nổ, phá sập bức tường bao quanh và khiến bên trong tòa nhà bị hư hại nặng. Đây được cho là vụ tấn công đầu tiên vào phái bộ nước ngoài tại thủ đô Tripoli kể từ khi nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Chính phủ Lybia gọi đây là hành vi khủng bố.
“Chúng tôi luôn mong muốn các nhà lãnh đạo Pháp tới thăm Lybia, nhưng không phải trong bối cảnh như hiện nay, khi Đại sứ quán Pháp bị tấn công. Đây là một hành vi tội ác, hành vi khủng bố.” Ngoại trưởng Lybia, Abdul Aziz nhấn mạnh.
Những vụ tấn công nhằm vào các cơ quan đại diện ngoại giao Pháp tại nước ngoài diễn ra trong bối cảnh Pháp đang ngày càng thể hiện vai trò đi đầu trong việc giải quyết khủng hoảng tại các nước Trung Đông và Bắc Phi. Còn nhớ, trong cuộc khủng hoảng tại Lybia năm 2011, cùng với Anh, Pháp là nước có vai trò quan trọng dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Gaddafi khi là nước đầu tiên không kích vào Lybia.
Mới đây, tại Mali, Pháp cũng đi đầu trong nỗ lực truy quét các nhóm khủng bố nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Bắc Phi này. Chính vì thế, rất dễ hiểu khi Pháp đang trở thành mục tiêu tấn công của những tay súng cực đoan. Song, một thực tế là sự can thiệp của Pháp vào các các cuộc khủng hoảng cũng gây ra những hệ lụy, mà một trong số đó là niềm tin của người dân Pháp.
Giành chiến thắng lịch sử và trở thành vị Tổng thống đầu tiên của đảng Xã hội sau 17 năm cánh hữu cầm quyền tại Pháp, nhưng Tổng thống Francois Hollande lại đang trải qua những ngày tháng không mấy ngọt ngào khi uy tín sụt giảm xuống mức kỷ lục sau gần 1 năm cầm quyền./.