Pháp, Đức phục hồi – châu Âu ra khỏi suy thoái?
VOV.VN -Tin vui Pháp bất ngờ đạt tăng trưởng 0,5% khiến châu Âu lạc quan hơn về khả năng sớm phục hồi khỏi khủng hoảng.
Nền kinh tế Pháp bất ngờ đạt tăng trưởng 0,5% trong quý II, khiến quốc gia này ra khỏi suy thoái sau khi kinh tế rơi xuống mức âm 0,1% trong 3 quý liên tiếp trước đó. Tin vui của Pháp, cộng thêm mức tăng trưởng khá của nền kinh tế số một khu vực Eurozone hiện nay là Đức, khiến châu Âu hân hoan và lạc quan hơn về khả năng sớm phục hồi khỏi khủng hoảng.
Ngạc nhiên và hân hoan
Khác với trường hợp nước Đức – với nền kinh tế vững mà khả năng tăng trưởng là chắc chắn, thì tin vui đến với nước Pháp khá bất ngờ. Bởi nền kinh tế Pháp liên tiếp tăng trưởng âm trong nhiều quý và mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế đã lên tiếng chỉ trích nước này đi sai đường, khi cho tăng thuế để giảm thâm hụt ngân sách.
Châu Âu có thoát khỏi suy thoái khi Pháp bất ngờ tăng trưởng kinh tế? (Ảnh: Internet) |
Những người lạc quan nhất cũng chỉ dám dự đoán kinh tế Pháp có tăng cũng chỉ ở mức khoảng 0,2%. Do đó, mức 0,5% do Cơ quan Thống kê quốc gia công bố hôm đầu tuần tạo nhiều ngạc nhiên và hân hoan.
Thủ tướng Pháp tuyên bố Chính phủ đang đi đúng đường, còn Bộ trưởng Kinh tế Pierre Moscovici khẳng định Pháp đã ra khỏi suy thoái. Bộ trưởng Ngoại thương Nicole Bricqs cũng lạc quan cho rằng, trao đổi thương mại của nước Pháp với bên ngoài sẽ còn tăng tốt trong thời gian tới. Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls nhấn mạnh “cam kết của Tổng thống đang đem lại kết quả”.
Cùng với mức tăng 0,7% của nền kinh tế Đức, tin vui đến với nước Pháp khiến cả châu Âu lạc quan. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Chatal Hughes phát biểu: “Châu Âu đang trên đường phục hồi, nhưng chỉ có thể bền vững nếu giữ vững và triển khai các hành động trên mọi mặt trận: tiến hành các cải cách cần thiết, kiểm soát nợ cả công và tư, xây dựng và bảo vệ sự ổn định tiền tệ trong liên minh châu Âu”.
Nhiều yếu tố tích cực
Mức tăng trưởng mà Pháp đạt được là nhờ nhiều yếu tố tích cực. Trước hết, đó là mức tiêu dùng của các hộ gia đình tăng 0,4%, tiếp đó là xuất khẩu tăng mạnh, sản lượng hàng hóa và dịch vụ tăng…
Đặc biệt, các ngành công nghiệp chế tạo đang đem lại hy vọng cho nền kinh tế Pháp. Đáng chú ý, sản xuất vật liệu vận tải trong ngành công nghiệp ô tô và hàng không tăng đến 8,2%. Và lần đầu tiên từ năm 2011, việc mua bán xe ô tô đạt mức dương 2,1% sau nhiều quý ở mức âm quá 5%.
Vẫn phải thận trọng nhiều
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Gibert Cette tại trường Đại học Aix- Marseille khẳng định tin vui chưa toàn vẹn: “Tin vui bất ngờ không thể khiến chúng ta chủ quan. So với nước Đức, Pháp vẫn thiếu các ý tưởng và sáng tạo để tăng trưởng bền vững. Cần phải có những cải cách dũng cảm, thị trường lao động có cải thiện nhưng vẫn có sự chênh lệch hơn so với mức tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng, nước Pháp sẽ chỉ phục hồi vào cuối năm 2014 hơn là đầu năm như nhiều người vẫn lạc quan”.
Nước Pháp cũng rất thận trọng bởi mức tăng trưởng được ghi nhận sau giai đoạn cao điểm một tháng giảm giá mùa hè trên toàn nước Pháp đối với tất cả các loại sản phẩm. Do đó, mức tăng tiêu dùng trong quý 2 rất có thể chỉ là nhất thời, do người dân tập trung mua sắm khi giảm giá.
Và trái với tỷ lệ tăng trưởng trở lại, số việc làm công ăn lương vẫn giảm trong quý II năm nay, khi nước Pháp phải cắt giảm tới gần 28.000 việc làm. Tổng thống Francois Hollande đã đặt ưu tiên cao độ cho thúc đẩy việc làm và hứa đến cuối năm nay, sẽ đảo ngược vòng cung thất nghiệp đang ở mức cao.
Theo chuyên gia kinh tế Eric Hayer, thường phải chấp nhận sự chênh lệch tới 3 quý giữa sự phục hồi kinh tế và phục hồi trên thị trường lao động.
Hiện Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande đang tích cực thúc đẩy việc sản xuất và tiêu dùng hàng hóa “xuất xứ Pháp”. Tuy nhiên, theo tính toán, các sản phẩm mang xuất xứ gốc của Pháp có mức giá cao hơn từ 10 đến thậm chí 70% so với xuất xứ nước ngoài, như một nước châu Âu khác hay như Trung Quốc. Do đó, mức đón nhận của người dân Pháp vẫn còn khá dè dặt, bởi ai cũng muốn tiết kiệm trong bối cảnh khủng hoảng./.