Pháp muốn lập trạm kiểm soát tị nạn ngay trên đất Libya
VOV.VN - "Từ giờ đến cuối năm 2017, nước Pháp phải chấm dứt tình cảnh người tị nạn vạ vật trên các đường phố và trong các khu rừng”.
Đó là tuyên bố mạnh mẽ được Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đưa ra trong một buổi lễ trao chứng nhận quốc tịch Pháp cho những những công dân mới tại thành phố Orleans ở miền Trung nước Pháp hôm 27/7.
Cảnh sát Pháp dẹp bỏ một trại dành cho người tị nạn ở nước này. Ảnh: AFP
Đây là tuyên bố gây bất ngờ bởi từ khi lên nhậm chức Tổng thống Pháp cách đây hơn 2 tháng, đây là lần đầu tiên ông Emmanuel Macron đưa ra một chính sách rõ ràng về vấn đề người tị nạn, một trong những chủ đề nhạy cảm và thu hút sự chú ý nhất không chỉ tại Pháp mà còn ở toàn châu Âu trong thời gian qua.
Ngoài việc tuyên bố muốn đẩy nhanh các thủ tục hành chính và mở các trung tâm tiếp nhận khẩn cấp để tránh tình trạng người tị nạn, đặc biệt là từ Syria và các nước Trung Đông, tràn ngập trên các đường phố ở thủ đô Paris, ông Macron còn đưa ra một đề xuất rất đáng chú ý khác, là mở các trung tâm tiếp nhận và kiểm soát ban đầu ngay trên đất Libya.
Trên thực tế, ý tưởng này không phải mới bởi dưới thời cựu Tổng thống Francois Hollande, Pháp và nhiều nước châu Âu khác cũng từng có ý định thiết lập các trạm kiểm soát và phân loại người tị nạn, được gọi là các “hotspots” ngay trên đất châu Phi để ngăn làn sóng tị nạn tràn qua Địa Trung Hải tiến vào đất châu Âu, ước tính con số trung bình mỗi năm khoảng 110.000 người. Tuy nhiên, do tính phức tạp của các cuộc xung đột quân sự tại Trung Đông và Bắc Phi trước đây, ý tưởng này đã không được thực hiện.
Nhưng, theo giới phân tích, ở thời điểm, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có nhiều yếu tố thuận lợi để biến ý định trên thành hiện thực. Yếu tố quan trọng nhất, đó là bối cảnh chính trị tại Libya đang dần ổn định.
Hôm 25/7 tại Paris, ông Macron đã thành công khi tổ chức một hội nghị hoà giải giữa hai phe phái đối lập tại Libya. Thành công này không chỉ giúp tìm ra lối thoát cho cuộc nội chiến tại Libya mà còn đặt nước Pháp vào vị thế trung tâm trong quan hệ giữa Libya với phương Tây, qua đó đơn giản hoá ý tưởng của Pháp về việc thiết lập trạm kiểm soát và phân loại tị nạn ngay trên đất Libya.
Nguyên nhân thứ hai có thể thúc đẩy ông Macron đưa ra một chính sách hành động táo bạo về vấn đề tị nạn, là do uy tín cá nhân của ông Macron ở thời điểm này đang bị sụt giảm.
Các cuộc thăm dò dư luận tại Pháp trong hơn 1 tuần qua cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Macron giảm nhanh chóng so với cách đây 1 tháng và do đó ông Macron cần tìm ra một mặt trận mới để sớm vực dậy uy tín.
Nhưng, cũng có không ít người cho rằng bằng việc đưa ra 2 quyết định rất táo bạo, ông Macron đang chơi một canh bạc với uy tín của mình, đặc biệt ở lời hứa dẹp hết người tị nạn sống vạ vật trên các đường phố và trong các khu rừng, không chỉ ở Paris mà còn trên khắp nước Pháp.
Các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh và kiểm soát người tị nạn nhận định, lời hứa này của ông Macron rất khó có thể hoàn thành do lượng người tị nạn đổ về nước Pháp ngày càng đông, trong khi năng lực tiếp nhận của các chính quyền địa phương ở Pháp đã quá tải./.
Chùm ảnh giải cứu người tị nạn ở Địa Trung Hải