Pháp ra phán quyết phiên toà lịch sử xử vụ khủng bố Bataclan 2015
VOV.VN - Toà án thành phố Paris ngày 29/6 ra phán quyết đối với 20 bị cáo liên quan đến loạt tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại diễn ra tháng 11/2015 tại nhà hát Bataclan và các khu vực lân cận thuộc quận 10 thủ đô Paris và thành phố Saint-Denis.
Theo phán quyết được công bố lúc 20h00 giờ địa phương ngày 29/6, Toà án thành phố Paris đã tuyên bố mức án cao nhất theo bộ luật Hình sự là chung thân vĩnh viễn đối với Salah Abdeslam với tội danh mưu sát và cấu kết với các nhóm tội phạm để thực hiện hành động khủng bố.
Salah Abdeslam là thành viên duy nhất còn sống sót trong nhóm những kẻ đã trực tiếp nã súng và đánh bom tự sát vào tối và đêm ngày 13/11/2015, nhằm vào một loạt các nhà hàng, quán café, nhà hát Bataclan thuộc quận 10 thủ đô Paris cũng như trước cửa sân vận động Stade de France ở thành phố Saint-Denis, ngoại ô phía Bắc Paris làm tổng cộng 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Toà án thành phố Paris cũng dành bản án chung thân đối với Mohamed Abrini, bạn thân của Salah Abdeslam và có quan hệ thân thiết với Abelhamid Abaaoud, thủ lĩnh nhóm khủng bố tại Paris. Mohamed Abrini cư trú tại Bỉ nhưng đã thừa nhận lẽ ra đã tham gia trực tiếp vào các vụ tấn công khủng bố tại Paris.
Ngoài 2 đối tượng trên, 5 thẩm phán tham gia xét xử cũng công bố các bản án từ 2 năm tù đến chung thân đối với 18 bị cáo còn lại với các tội danh trực tiếp tham gia hoặc hỗ trợ hậu cần, chuẩn bị các cho vụ tấn công khủng bố tại Paris và Saint-Denis. Trong số này, có sáu đối tượng khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo bị xét xử vắng mặt do đã bị cảnh sát Pháp bắn hạ hoặc được cho là đã chết.
Là người may mắn sống sót và hiện là Chủ tịch hiệp hội “Life for Paris” tập hợp các nạn nhân và thân nhân các vụ khủng bố ngày 13/11/2015, ông Arthur Denouveaux cho rằng bản án phần nào làm nguôi ngoai những gì ông và thân nhân các nạn nhân phải chịu đựng trong suốt hơn 6 năm qua.
“Công lý đã được đưa ra. Công lý mang lại sự công bằng nhưng cũng chỉ là vấn đề thực thi pháp quyền và không thể chữa lành mọi thứ. Nó sẽ chỉ giúp chữa lành phần nào đó của vết thương và chúng tôi vẫn sẽ phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua nỗi đau này”, ông Denouveaux cho biết.
Phiên toà xét xử loạt tấn công khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nước Pháp được chính thức mở từ ngày 8/9/2021 sau gần 6 năm điều tra. Để chuẩn bị cho phiên tòa được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử tư pháp, nhà chức trách Pháp đã xây dựng được một kho hồ sơ cao đến 53m, dày 1 triệu trang. Ngoài 20 bị can, các quan tòa đã triệu tập hơn 1.700 đơn sự, đại diện cho các gia đình nạn nhân, các hiệp hội dân sự. Một phòng xử đặc biệt rộng 750m2, có sức chứa 550 người, 10 phòng truyền hình trực tiếp, các camera và thiết bị an ninh đặc biệt đã được lắp đặt tại Cung Tư pháp của thành phố Paris./.