Pháp tranh cãi gay gắt việc cấm đồ bơi burkini của người Hồi giáo

VOV.VN - Lệnh cấm đồ bơi burkini của người Hồi giáo tại các bãi biển ở Pháp đã trở thành đề tài gây tranh cãi gay gắt ở nước này.

Tòa án Hành chính Tối cao Pháp ngày 26/8 sẽ ra quyết định ủng hộ hoặc đình chỉ lệnh cấm burkini, đồ bơi trùm kín người của người Hồi giáo trên các bãi biển đang có xu hướng lan rộng tại nhiều thành phố của Pháp.

Nhiều người Pháp cho rằng việc cấm đồ bơi burkini của người Hồi giáo là sự lo xa quá mực cần thiết của giới chức Pháp. Ảnh Reuters

Theo dự kiến, Tòa án Hành chính Tối cao của Pháp sẽ ra phán quyết vào 13h chiều (giờ địa phương), tức 20h tối (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, tòa sẽ không tập trung xem xét về tính hợp pháp của lệnh cấm mà sẽ chỉ quyết định là liệu có cơ sở để tòa án phải hành động khẩn cấp hay chỉ tạm thời đỉnh chỉ lệnh cấm burkini mà chính quyền nhiều thành phố của Pháp đang áp dụng hay không, trước khi có những ý kiến đánh giá về tính hợp pháp của quy định này.

Do đó, việc mà tòa hành chính sẽ làm là cân nhắc 2 yếu tố, liệu sắc lệnh cấm của chính quyền các thành phố có phải là sự vi phạm quyền tự do của công dân hay không và liệu tác hại mà lệnh cấm gây ra có đủ nghiêm trọng để tòa án phải đình chỉ quy định này hay không.

Tuy nhiên, ngay trước phán quyết của tòa án, việc cấm mặc burkini đã gây ra các phản ứng trái chiều trong xã hội, đặc biệt sau khi có những phụ nữ Hồi giáo đầu tiên bị phạt vì “hành vi không phù hợp với tập quán” tại Pháp.

Không ít nhà chính trị Pháp đã lên tiếng ủng hộ quy định này. Theo lập luận của nhiều nhà chính trị Pháp, việc che phủ toàn bộ khuôn mặt hoặc mặc trang phục che kín người trên các bãi biển của đồ bơi burkini là không phù hợp với các quan hệ xã hội tại Pháp.

Bên cạnh đó, việc mặc burkini có thể tạo cơ hội cho các vụ đánh bom liều chết gia tăng mạnh. Tổng thống Pháp Francois Hollande dù không phản đối trực tiếp việc sử dụng trang phục này song đã gián tiếp nói rằng lệnh cấm của chính quyền các địa phương cần được người dân tôn trọng: “Cuộc sống của nước Pháp đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Điều này có nghĩa là người dân cần phải tuân thủ các quy định”.

Cho đến nay, có ít nhất 15 thành phố ven biển của Pháp đã ban hành lệnh cấm mặc trang phục này, song đối với nhiều người Pháp, đặc biệt là các nhà hoạt động nhân quyền, lệnh cấm là sự vi phạm quyền công dân.

Ông Patrice Spinosi, một luật sư thuộc liên đoàn nhân quyền Pháp nói: “Điều mà chúng ta cần đặt ra ở đây là quyền của các thị trưởng thành phố tới đâu trong việc ban hành lệnh cấm các dấu hiệu mang tính chất tôn giáo ở các địa điểm công cộng.

Sẽ cực kỳ nguy hiểm và đáng lo nếu chúng ta cho phép các thị trưởng chỉ vì một lý do: nguy cơ xảy ra các vụ tấn công đối với nước Pháp mà được quyền ra quyết định về việc sử dụng các dấu hiệu tôn giáo ở mọi địa điểm công cộng”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không có mối liên hệ giữa trang phục burkini và các vụ đánh bom như “lo xa” của nhà chức trách. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Vallaud Belkacem nói: “Không có mối liên hệ giữa các vụ tấn công khủng bố và trang phục của phụ nữ ở trên bãi biển. Đây là vấn đề cơ bản nhằm làm cho mọi người tin rằng có bằng chứng về mối liên hệ giữa hai vấn đề này. Đối với tôi, chẳng có mối liên hệ nào ở đây cả”.

Đối với nhiều người dân Pháp, trong đó có người dân Paris, lệnh cấm burkini là không cần thiết: “Nếu một ai mặc burkini nằm cạnh tôi trên bãi biển, tôi cũng không quan tâm. Theo tôi, phần đông người Pháp cho rằng, lệnh cấm là sự vi phạm quyền công dân”.

Trước đó, ngày 15/8 vừa qua, ba phụ nữ mặc đồ bơi burkini tại bãi biển thành phố Cannes đã phải nộp phạt 38 Euro và sáu phụ nữ khác đã bị nhắc nhở về việc cần tuân thủ quy định tại các địa điểm công cộng.

Sau đó, Tổ chức Tập thể chống kỳ thị Hồi giáo ở Pháp (CCIF) đã đề nghị Tòa án hành chính Nice xem lại “tính hợp pháp” của sắc lệnh cấm burkini của chính quyền thành phố Cannes và đòi hủy bỏ lệnh cấm đó. Tuy nhiên, Tòa án hành chính Nice đã giữ nguyên lệnh cấm của thành phố Cannes.

Tổ chức Tập thể chống kỳ thị Hồi giáo ở Pháp lại tiếp tục đệ đơn lên Tham chính viện-cơ quan có thẩm quyền tối cao về các hành động vi hiến nhằm phản đối phán quyết nói trên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người dân Pháp tranh cãi gay gắt về áo tắm của người Hồi giáo
Người dân Pháp tranh cãi gay gắt về áo tắm của người Hồi giáo

VOV.VN -Tranh luận về burkini – một trang phục áo tắm của phụ nữ Hồi giáo đang tạo nên căng thẳng trong xã hội Pháp.

Người dân Pháp tranh cãi gay gắt về áo tắm của người Hồi giáo

Người dân Pháp tranh cãi gay gắt về áo tắm của người Hồi giáo

VOV.VN -Tranh luận về burkini – một trang phục áo tắm của phụ nữ Hồi giáo đang tạo nên căng thẳng trong xã hội Pháp.

Pháp đóng cửa 20 nhà thờ Hồi giáo nhằm ngăn chặn tư tưởng cực đoan
Pháp đóng cửa 20 nhà thờ Hồi giáo nhằm ngăn chặn tư tưởng cực đoan

VOV.VN - Các nhà thờ Hồi giáo mà Pháp vừa đóng cửa được cho là nơi rao giảng các tư tưởng cực đoan của chủ nghĩa Hồi giáo.

Pháp đóng cửa 20 nhà thờ Hồi giáo nhằm ngăn chặn tư tưởng cực đoan

Pháp đóng cửa 20 nhà thờ Hồi giáo nhằm ngăn chặn tư tưởng cực đoan

VOV.VN - Các nhà thờ Hồi giáo mà Pháp vừa đóng cửa được cho là nơi rao giảng các tư tưởng cực đoan của chủ nghĩa Hồi giáo.