Pháp –Trung: Xây dựng lòng tin để hướng tới tương lai

Không quá khó hiểu khi Pháp trở nên “mềm dẻo” và chú ý hơn đến Trung Quốc. Dường như Pháp hiểu rằng, hành động “cố ý” tiếp nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng hồi năm ngoái không mang lại lợi lộc gì ngoài những tổn hại đáng kể trong thương mại của Paris.

Thủ tướng Pháp F. Fillon vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc trong 3 ngày. Thành công lớn nhất của chuyến thăm này là hai bên đã ký kết hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giữa tới 15 tỷ  USD. Đây thực sự là bước tiến lớn nhất trong quan hệ Pháp - Trung kể từ sau sự kiện Tổng thống Nicolas Sacozy tiếp nhà lãnh đạo Tây Tạng Đạt  Lai  Lạt Ma hồi tháng 12/2008.

Quan hệ Pháp – Trung đã bước sang thời kỳ mới. Đó là nhận định của dư luận Pháp và Trung Quốc trong những ngày qua. Một thoả thuận điện hạt nhân khổng lồ trị giá 15 tỷ USD được thực hiện trong vòng 30 năm giữa Tập đoàn điện lực Saf-ran của Trung Quốc và Tập đoàn điện lực Pháp, 12 thoả thuận trong các lĩnh vực thương mại, giao thông đô thị, cung cấp nước và các dự án trong lĩnh vực y tế trị giá nhiều tỷ USD. Những kết quả này thực sự đáng ngạc nhiên khi chỉ cách đây một năm, quan hệ thương mại giữa hai nước dường như bị đóng băng sau sự kiện Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, tại Ba Lan. Trung Quốc đã tỏ ra lạnh nhạt với Pháp. Thậm chí, Bắc Kinh đơn phương tuyên bố hủy cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc, vì khi đó Pháp đang là Chủ tịch luân phiên khối này. Một trong những động thái mạnh mẽ hơn cả là vào tháng 1/2009, trong chuyến thăm và làm việc với hàng loạt các quốc gia châu Âu, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tránh Pháp. Khi đó báo chí Pháp còn nói vui rằng đây là chuyến thăm châu Âu vòng quanh nước Pháp của nhà lãnh đạo Trung Quốc. 

Thế nhưng, giai đoạn “trừng phạt” này dường như đã qua khi mà tháng 10/2009, Bắc Kinh đã thực sự dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế chống lại Pháp. Quan hệ hai bên đã được khai thông với việc Bắc Kinh tuyên bố cử một phái đoàn gồm khoảng một trăm doanh nghiệp Trung Quốc, đến làm việc tại Pháp hồi tháng trước. Để đáp lại và tạo ra một bước tiến trong giao lưu kinh tế giữa hai nước, một phái đoàn doanh nghiệp Pháp do Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde đã được chào đón nồng nhiệt tại Bắc kinh. Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp F. Fillon là nhà lãnh đạo Pháp đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ sau sự kiện nhạy cảm liên quan đến lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.

Không quá khó hiểu khi Pháp trở nên “mềm dẻo” và chú ý hơn đến Trung Quốc. Dường như Pháp hiểu rằng, hành động “cố ý” tiếp nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng hồi năm ngoái không mang lại lợi lộc gì ngoài những tổn hại đáng kể trong thương mại của Paris. Theo số liệu từ Văn phòng thương mại Pháp năm 2008, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Pháp và Trung Quốc đã giảm 35% khi Trung Quốc ra lệnh “tẩy chay” hàng hoá của Pháp. Trong bối cảnh nền kinh tế Pháp rơi vào suy thoái do khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường Trung Quốc trở thành thị trường mục tiêu và được nhiều doanh nghiệp Pháp coi trọng. Mặc dù kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng của cơn bão tài chính, nên tốc độ tăng trưởng chậm hơn, nhưng Trung Quốc vẫn là một thị trường tốt nhất thế giới.

Thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Pháp sẽ không chỉ được lợi trong lĩnh vực kinh tế mà còn tranh thủ được sự ủng hộ của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế phức tạp hiện nay. Trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Francois Fillon cho rằng, Pháp luôn coi Trung Quốc là một quốc gia có vai trò ngày càng lớn trong quan hệ kinh tế thế giới, mối quan hệ hợp tác giữa Pháp và Trung Quốc là cần thiết để giải quyết những vấn đề toàn cầu. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, người đứng đầu Chính phủ Pháp cũng thận trọng không đề cập đến vấn đề Tây Tạng, nguyên nhân của mối bất hoà Pháp – Trung, đồng thời khẳng định khu vực này thuộc quyền quyết định của một nước Trung Quốc duy nhất. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Paris đang cố gắng tạo dựng lòng tin với Bắc Kinh và chắc chắn chuyến công du lần này của Thủ tướng Francois Fillon cũng nhằm mở đường cho chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tới Trung Quốc trong  đầu năm tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên