Pháp và Italy rạn nứt quan hệ vì người nhập cư
VOV.VN - Căng thẳng quan hệ giữa Pháp và Italy chưa có dấu hạ nhiệt sau gần 1 tuần, khi Pháp cáo buộc Italy vi phạm thoả thuận châu Âu về người nhập cư trong khi phía Italy cho rằng các nước châu Âu chưa tích cực chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề người di cư.
Phát biểu trên truyền hình, Người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Véran tiếp tục chỉ trích Italy đã vi phạm Cơ chế tương trợ châu Âu về người di cư sau khi từ chối tiếp nhận tàu cứu hộ Ocean Viking chở hơn 230 người di cư.
Theo cơ chế này, Italy sẽ phải cho phép các tàu chở người di cư cập cảng và các nước tham gia cơ chế tương trợ, trong đó có Pháp, có nghĩa vụ chia sẻ, hỗ trợ tiếp nhận một phần trong tổng số 8.000 người di cư sẽ được phân bổ lại từ các quốc gia tuyến đầu như Italy, Tây Ban Nha hay Hy Lạp… Người phát ngôn chính phủ Pháp cho biết Pháp sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả.
“Italy đã không tôn trọng cam kết cơ bản theo cơ chế tương trợ châu Âu, vậy nên chúng tôi cũng sẽ không tuân thủ cam kết đã đưa ra với Italy. Chúng tôi sẽ không tiếp nhận 3.000 người di cư dự kiến đến từ Italy nữa”.
Căng thẳng giữa Pháp và Italy bùng phát sau khi phía Italy từ chối tiếp nhận tàu cứu hộ Ocean Viking của tổ chức phi chính phủ (NGO) SOS Địa Trung Hải lúc đó đang chở 230 người di cư vừa được cứu trên Địa Trung Hải, buộc con tàu phải chuyển hướng cập cảng Toulon của Pháp.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin trước đó cho biết Pháp ngay lập tức sẽ đình chỉ việc tiếp nhận khoảng 500 người nhập cư hiện đang cư trú tại Italy dự kiến sẽ được phân bổ sang Pháp từ nay đến hết năm 2022 theo cơ chế tương trợ châu Âu.
Bộ Nội vụ Pháp ngày 11/11 cũng đã điều động thêm 500 cảnh sát và cơ động để tăng cường kiểm tra an ninh tại các điểm biên giới và trục giao thông nối giữa hai nước.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy bà Giorga Meloni cho rằng các nước châu Âu, trong đó có Pháp, đang né tránh san sẻ trách nhiệm với các nước tuyến đầu như Italy.
“Khoảng 90.000 người di cư đã vào Italy kể từ đầu năm. Theo thoả thuận phân bổ người di cư với sự tham gia của 13 nước châu Âu, sẽ có khoảng 8.000 người, tức là dưới 10%, sẽ được hỗ trợ tiếp nhận lại bởi các nước thành viên. Tuy nhiên, các bạn có biết số người được hỗ trợ tiếp nhận lại đến nay là bao nhiêu không? Chỉ là 117 người, trong đó từ Pháp là 38 người”.
Giải quyết vấn đề người di cư tại Liên minh châu Âu (EU) luôn là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Các quốc gia được coi là tuyến đầu như Italy và Tây Ban Nha, nơi mà hầu hết người di cư đặt chân tới sau khi vượt Địa Trung Hải, cho rằng các quốc gia khác phải hành động tích cực hơn nữa để giải quyết vấn đề này./.