Pháp và Italy thiết lập trung tâm công nghiệp quốc phòng chung
VOV.VN - Pháp và Italy ngày 29/4 đã ký ý định thư thành lập một trung tâm công nghiệp chung tập trung nguồn lực và công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng để thúc đẩy phát triển các dự án vũ khí bộ binh mới như xe tăng, xe bọc thép hay pháo binh nhằm gia tăng năng lực quốc phòng.
Phát biểu trong phiên họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto tại đảo Corse, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết Pháp và Italy sẽ thành lập một trung tâm công nghiệp quốc phòng chung để tận dụng nguồn lực và công nghệ, thúc đẩy hợp tác sản xuất các loại vũ khí trên bộ mới như xe tăng, xe bọc thép hay pháo binh.
Cơ chế hợp tác sẽ được dựa trên các mô hình sẵn có giữa các tập đoàn quốc phòng hai nước như Leonardo của Italy với Thales của Pháp hay công ty dịch vụ vệ tinh Italy Telespazio với nhà sản xuất thiết bị vũ trụ Pháp Thales Alenia Space.
Theo người đầu quân đội Pháp, Italy có thể tham gia các dự án quốc phòng chung giữa Pháp và Đức, trong đó mới nhất là chương trình “Xe tăng của tương lai” được Pháp và Đức khởi động ngày 26/4 nhằm thay thế cho các xe tăng chiến đấu hiện nay như Leclerc của Pháp và Leopard 2 của Đức.
Pháp cũng ủng hộ Italy đề nghị tập đoàn quốc phòng MBDA, liên doanh giữa 4 nước Pháp, Đức, Anh và Italy, thiết lập một dây chuyền sản xuất tên lửa Aster tại nước này. Hai bộ trưởng đã gửi thư chung đề nghị tập đoàn MBDA sớm chuyển giao các đơn đặt hàng tên lửa Aster đầu tiên ngay trong năm 2024.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết Pháp đã yêu cầu các tập đoàn công nghiệp ưu tiên các đơn hàng quân sự hơn dân sự, rút ngắn thời gian sản xuất và đề nghị phía Italy đơn giản hoá các thủ tục hành chính hải quan để đảm bảo hiệu quả hợp tác.
“Chúng ta cần nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế thời chiến để đảm bảo có thể hỗ trợ cho Ukraine hay thực hiện các sứ mệnh bảo vệ các tuyến đường biển như tại Biển Đỏ”, ông Lecornu nói.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhấn mạnh thế giới đang thay đổi và châu Âu cần phải chuẩn bị cho những điều có thể còn tồi tệ hơn so với những gì đã diễn ra trong 2 năm qua. Italy ủng hộ việc thiết lập các trung tâm công nghiệp quốc phòng chung để thúc đẩy hợp tác và năng lực sản xuất của châu Âu trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ bên ngoài như Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ.