Phát thanh - Tiếng nói làm giảm thảm họa do biến đổi khí hậu
VOV.VN - Hôm nay (13/2) là Ngày Phát thanh Thế giới (World Radio Day), ngày tôn vinh vai trò của ngành phát thanh trong xã hội hiện đại, bởi trong các giai đoạn phát triển, Phát thanh luôn được coi là phương tiện truyền thông đại chúng tiếp cận thính giả một cách nhanh chóng và rộng rãi nhất.
Mỗi năm, Ngày phát thanh Thế giới đều có một chủ đề gắn với những vấn đề của toàn thế giới. Năm nay, chủ đề của ngày này là: “Phát thanh và Biến đổi khí hậu”- vấn đề mà các quốc gia đang dồn lực giải quyết nhằm tạo ra một cuộc sống an toàn cho người dân.
Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) từ nhiều năm nay đã coi Biến đổi khí hậu là là nội dung tuyên truyền quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường không những của đất nước mà còn cả khu vực và thế giới. Đặc biệt, với tư cách là cơ quan truyền thông chủ lực của Quốc gia, Đài phát thanh Quốc gia, VOV đã tích cực sản xuất các chương trình liên quan đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm thế nào để bảo hạn chế thiệt hai do thiên tai gây ra, sống cùng với thiên tai, ý thức bảo vệ môi trường…tham gia vào các diễn đàn, tham vấn truyền thông chính sách về biến đổi khí hậu, từ đó nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, đóng góp vào sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn toàn cầu về biến đổi khí hậu, xây dựng một thế giới Xanh.
![phát thanh - tiếng nói làm giảm thảm họa do biến đổi khí hậu hình ảnh 1 phat thanh - tieng noi lam giam tham hoa do bien doi khi hau hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/vov_2.jpg)
Ngoài các giải thưởng trong nước về môi trường, những năm gần đây, Đài Tiếng nói Việt Nam còn đoạt giải thưởng quốc tế, điển hình là là các tác phẩm “Nước ơi” của tác giả Hoàng Văn Ân đoạt giải Xuất sắc hạng mục phóng sự, thời sự của Hiệp hội Phát thanh-Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (ABU) 2021; “Đất lành chim đậu” của Ban Thời sự (VOV1) năm 2024…Những tác phẩm đó đều đưa ra những thông điệp ý nghĩa về việc cần có kế hoạch toàn diện, quyết tâm mạnh mẽ nhằm đảm bảo nguồn nước sạch bền vững cho trẻ em, hay một cuộc sống lành mạnh cả về con người và môi trường.
![phát thanh - tiếng nói làm giảm thảm họa do biến đổi khí hậu hình ảnh 2 phat thanh - tieng noi lam giam tham hoa do bien doi khi hau hinh anh 2](https://media.vov.vn/sites/default/files/2025-02/vov_1.gif)
Thảm họa do ảnh hưởng khí hậu gây ra vô cùng khủng khiếp. Theo thống kê của UNESCO, chỉ tính riêng năm 2024, có 10 thảm hoạ khí hậu lớn đã xảy ra khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng trăm tỷ USD. Đứng đầu danh sách là bão Milton vào tháng 10, gây thiệt hại hơn 60 tỷ USD. Tiếp theo là bão Helene, đổ bộ vào Mỹ, Cuba và Mexico hồi tháng 9 gây tổn thất khoảng 55 tỷ USD. Tại Trung Quốc, các trận lũ lụt đã khiến GDP nước này thâm hụt khoảng 15,6 tỷ USD.
Trong khi đó, khu vực Tây Nam Á cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 (tên gọi quốc tế là bão Yagi) đổ bộ Philippines ngày 2/9 trước khi càn quét qua Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan gây sạt lở đất, lũ quét, phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà và diện tích đất nông nghiệp.
![phát thanh - tiếng nói làm giảm thảm họa do biến đổi khí hậu hình ảnh 3 phat thanh - tieng noi lam giam tham hoa do bien doi khi hau hinh anh 3](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/bao_yagi.jpg)
Tại châu Âu cũng các cơn bão cũng khiến hàng trăm người thiệt mạng. Các đợt nắng nóng gây hạn hán tại châu Phi khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng.
Từ sự thảm khốc do ảnh hưởng biến đổi khí hậu gây ra, cùng với việc lựa chọn chủ đề của Ngày Phát thanh thế giới năm nay, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện tọa đàm đặc biệt với chủ đề “Phát thanh và Biến đổi khí hậu”. Tọa đàm được phát trực tiếp trên fanpage VOV1-thoi su và kênh Youtube VOV1-thoisu lúc 09h00, phát sóng trên kênh thời sự VOV1 lúc 16h ngày 13/2.
Tọa đàm đặc biệt này có sự tham gia của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, chuyên gia người Việt Nam, người nước ngoài đến từ Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Viện phát triển Phát thanh-Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (AIBD), phóng viên kỳ cựu chuyên đưa tin về biến đổi khí hậu của Đài Phát thanh-Truyền hình Australia (ABC)…
Ngày Phát thanh Thế giới 2025 tập trung vào chủ đề “Phát thanh và Biến đổi Khí hậu”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát thanh trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu. Năm 2025 là thời điểm then chốt khi lượng khí thải toàn cầu cần đạt đỉnh để giữ mức tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5°C theo mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Trong vài thập kỷ qua, nhờ sự phát triển của truyền thông, các khái niệm về biến đổi khí hậu đã được truyền tải một cách dễ tiếp cận, giúp công chúng nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Việt Nam, truyền thông Việt Nam trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam đang nỗ lực đóng góp cho việc giải quyết khủng hoảng khí hậu bằng chính tiếng nói và hành động của mình.