Phe đối lập kiến nghị tạm đình chỉ chức Thủ tướng Thái Lan của ông Prayut
VOV.VN - Ngày 17/8, đại diện phe đối lập gồm đảng Vì nước Thái và đảng Tiến bước chính thức gửi kiến nghị yêu cầu Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết để giải quyết những tranh cãi về nhiệm kỳ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha
Trong kiến nghị được 171 hạ nghị sỹ ký tên, phe đối lập cho rằng ông Prayut Chan-o-cha đã làm Thủ tướng Thái Lan kể từ ngày 24/8/2014, do đó tư cách Thủ tướng của ông Prayut Chan-o-cha sẽ kết thúc vào ngày 24/8/2022.
Phe đối lập cũng đề nghị Tòa án Hiến pháp trước mắt ra quyết định tạm thời đình chỉ chức vụ Thủ tướng của ông Prayut Chan-o-cha nhằm ngăn chặn những phức tạp pháp lý và thiệt hại phát sinh trước khi Tòa ra phán quyết cuối cùng.
Điều 158 của Hiến pháp Thái Lan năm 2017 quy định, một chính trị gia chỉ có thể làm Thủ tướng Thái Lan trong hai nhiệm kỳ (tức 8 năm), bất kể là hai nhiệm liên tiếp hay ngắt quãng. Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế thời gian nắm quyền Thủ tướng của một chính trị gia, qua đó ngăn chặn sự độc đoán, chuyên quyền có thể dẫn đến xung đột, bất ổn trong xã hội.
Lãnh đạo đảng Vì nước Thái - Cholnan Srikaew tin tưởng rằng, Tòa án Hiến pháp sẽ xem xét các khía cạnh pháp lý và chứng cứ để có thể sớm ra phán quyết về vấn đề này. Ông Cholnan Srikaew cũng cảnh báo Thủ tướng Prayut Chan-o-cha không được giải tán Hạ viện trước thời hạn bởi điều này sẽ gây ra khoảng trống chính trị và dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ người dân.
Hiện nay, ngoài quan điểm của phe đối lập, dư luận tại Thái Lan còn có hai luồng quan điểm khác về nhiệm kỳ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Ủy ban Pháp lý của Hạ viện cho rằng nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Prayut Chan-o-cha bắt đầu chính thức từ ngày 9/6/2019 khi ông được Quốc hội Thái Lan thành lập sau Tổng tuyển cử năm 2019 bầu chọn và được Hoàng gia Thái Lan phê chuẩn. Theo đó, nếu tiếp tục được bầu chọn trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới, ông Prayut Chan-o-cha có thể làm Thủ tướng Thái Lan thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa.
Giới phân tích chính trị và nhiều học giả Thái Lan lại cho rằng, thời điểm Hiến pháp Thái Lan năm 2017 chính thức có hiệu lực (6/4/2017) chính là mốc xác định bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Prayut Chan-o-cha.
Ông Prayut nắm quyền tại Thái Lan kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014 để lật đổ chính phủ cựu Thủ tướng Yingluck. Sau đó năm 2019, ông trở thành thủ tướng dân sự sau cuộc bầu cử./.