Phiên điều trần vụ Benghazi của bà Clinton gây tranh cãi gay gắt
VOV.VN- Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiếp tục phải ra điều trần trước Quốc hội về vụ tấn công khủng bố nhằm vào Tòa lãnh sự Mỹ ở Benghazi (Libya).
Tuy nhiên, cuộc điều trần không mang lại những thông tin mới liên quan đến vụ tấn công mà lại biến thành một cuộc tranh luận gay gắt giữa một bên là Đảng Dân Chủ và bà Clinton, ứng cử viên tiềm năng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và một bên là Đảng Cộng hòa.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong phiên điều trần vụ Benghazi. Ảnh Reuters |
Cuộc điều trần kéo dài 11 tiếng đồng hồ, chỉ chấm dứt vào 9 giờ tối 22/10 (giờ địa phương), tức rạng sáng 23/10 (giờ Việt Nam), đề cập tương đối ít về vụ tấn công tại Benghazi song lại đề cập nhiều đến vụ bê bối thư điện tử của cựu Ngoại trưởng, vốn trở thành một đề tài gây tranh cãi ở Mỹ kể từ tháng 3 năm nay.
Ngay sau khi đề cập đến những thắc mắc của ủy ban điều tra đặc biệt về vụ Benghazi liên quan đến các quyết định của chính phủ trước và sau vụ tấn công tại đây, Chủ tịch ủy ban điều tra đặc biệt về vụ Benghazi, Nghị sỹ Đảng Cộng Hòa Trey Gowdy đã không quên nhấn mạnh tới vụ tranh cãi kéo dài nhiều tháng qua về việc bà Clinton, trong thời gian làm Ngoại trưởng, đã sử dụng tài khoản thư điện tử cá nhân để giao dịch.
Trước sức ép liên quan đến các sự kiện xảy ra trước và sau cái chết của 4 nhà ngoại giao Mỹ tại Benghazi, trong đó có Đại sứ Christopher Stevens, bà Clinton đã phải rất vất vả để bảo vệ danh tiếng cá nhân đồng thời tránh các nguy cơ có thể làm tổn hại đến chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà.
Đối mặt với một cuộc chất vấn kéo dài cả ngày, bà Clinton tỏ ra khá bình tĩnh, nói rằng nước Mỹ “lãnh đạo một thế giới đầy nguy hiểm, do vậy các nhà ngoại giao của Mỹ phải tiếp tục đại diện cho nước Mỹ ở những nơi nguy hiểm”.
Theo bà Clinton, các nhà ngoại giao Mỹ phải chấp nhận một mức độ rủi ro nào đó để bảo vệ đất nước và thúc đẩy các lợi ích và giá trị của Mỹ. Bà cũng hối thúc các nhà lập pháp hãy đặt an ninh quốc gia của nước Mỹ lên trên các tính toán đảng phái chính trị.
Bà Clinton nói: “Tôi đã làm mọi thứ mà tôi biết là cần phải làm để trả lời câu hỏi của Quốc hội. Câu trả lời của tôi vẫn không thay đổi kể từ khi tôi xuất hiện ở đây 2 năm trước. Tôi biết rằng có rất nhiều trắc trở trong hoạt động của ủy ban điều tra song tôi chỉ hy vọng rằng các chính khách chúng ta phải vượt qua tư tưởng đảng phái. Thật là bất hạnh nếu một điều gì đó nghiêm trọng nhữ đã từng xảy ra tại Benghazi lại được sử dụng cho mục tiêu chính trị mang tính đảng phái”.
Mặc dù bị phe Cộng Hòa chất vấn gay gắt song cựu Ngoại trưởng Mỹ lại nhận được sự ủng hộ của không ít nghị sĩ Đảng Dân Chủ. Theo nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ, cuộc điều trần chỉ là cái cớ để phe Cộng Hòa nhằm vào cá nhân bà Clinton, trong bối cảnh Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden một ngày trước đó đã tuyên bố sẽ không cạnh tranh với bà Clinton, ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân Chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Nghị sĩ Đảng Dân chủ Elijah Cummings tuyên bố:“Tôi không biết là chúng ta muốn gì từ bà Clinton. Có phải là chúng ta đang quấy rầy bà ấy cho đến khi bà ấy mệt mỏi. Tốt hơn hết là chúng ta nên tận dụng tốt tiền thuế của người dân, chứ không phải là dùng nó để phá hủy một chiến dịch tranh cử. Đó không phải là điều mà nước Mỹ đang hướng đến”.
Ủy ban điều tra đặc biệt về vụ Benghazi được phe Cộng Hòa tại Quốc hội thành lập hồi tháng 5/2014, sau 7 cuộc điều tra của Quốc hội về vụ tấn công này.
Phe Dân chủ tại Quốc hội đã nhiều lần yêu cầu giải tán ủy ban, cho rằng hoạt động của ủy ban không mang lại bất kỳ thông tin mới nào về vụ Benghazi mà chỉ gây lãng phí tiền của người đóng thuế. Năm 2013, bà Hillary cũng đã từng phải ra điều trần trước Thượng viện về vụ này./.