Phiến quân Houthi lập “chính phủ”, Yemen lún sâu vào khủng hoảng
VOV.VN - Chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận ở Yemen cảnh báo lực lượng Houthi không được hợp pháp hóa quyền lực thông qua Quốc hội.
Quốc hội Yemen ở thủ đô Sanaa hôm qua (14/8) cho phép một Hội đồng điều hành đất nước do phiến quân Houthi lãnh đạo tuyên thệ nhậm chức. Hội đồng này đóng vai trò như một chính phủ đối đầu với chính quyền được cộng đồng quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi.
Đất nước Yemen vẫn tiếp tục bị tàn phá do chiến tranh. (Ảnh: AFP)
Sau khi đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn kết thúc hôm 6/8 vừa qua trong thất bại, lực lượng Houthi và đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc (GPC) đã thành lập một hội đồng điều hành đất nước bất chấp sự phản đối của Liên Hợp Quốc và chính phủ do Tổng thống Hadi lãnh đạo.
Hội đồng này có 10 thành viên do phiến quân Houthi lãnh đạo bao gồm thành viên của phong trào theo dòng Shiite cùng với đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh.
Hôm 13/8 vừa qua, Quốc hội Yemen đã nhóm họp lần đầu tiên kể từ khi nội chiến bùng phát gần 2 năm trước để bỏ phiếu tín nhiệm cho hội đồng này.
Ông Mohammed Al Radi, một thành viên Quốc hội cho biết: “Chúng tôi họp ở đây là để bỏ phiếu tín nhiệm cho hội đồng chính trị bao gồm các thành viên đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc, đồng minh của đảng này cũng như lực lượng Houthi và các đồng minh. Họ là khối chính trị lớn đang gánh vác tất cả”.
Cuộc họp Quốc hội được tổ chức trong bối cảnh máy bay của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu vẫn dội bom vào căn cứ quân sự cách đó vài km.
Trong khi đó, Tổng thống Mansour Hadi và chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận của ông đã cảnh báo lực lượng Houthi không nên tìm cách hợp pháp hóa quyền lực thông qua Quốc hội.
Trong một thông báo do hãng thông tấn chính thức Saba đăng tải, Tổng thống Hadi cho rằng cuộc họp Quốc hội này là phi pháp và các nghị sỹ tham gia có thể bị xét xử hình sự. Trong khi đó, Thủ tướng Ahmed Bin Obeid Daghr hôm qua (14/8) đã đến Cairo, Ai Cập để kêu gọi sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Hadi.
Yemen rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Saleh vào năm 2012. An ninh đã trở nên bất ổn sau khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa vào tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Hadi phải sang lưu vong tại nước láng giềng Saudi Arabia.
Nội chiến ở Yemen đến nay đã làm hơn 10.000 dân thường thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia nghèo nhất thế giới Arab này. Theo Liên Hợp Quốc, nội chiến đã làm một nửa trong số 27 triệu dân Yemen không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế và khoảng 80% người dân cần viện trợ nhân đạo./.