Phương Tây đã sẵn sàng mở rộng chiến dịch chống IS sang Libya?
VOV.VN - Câu hỏi đặt ra nhiều nhất lúc này không còn là liệu phương Tây có can thiệp quân sự vào Libya hay không, mà là khi nào phương Tây sẽ can thiệp.
Báo chí phương Tây những ngày qua liên tục thông tin về việc phương Tây mở rộng chiến dịch quân sự chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sang Libya nhằm ngăn chặn nhóm nổi dậy này mở rộng ảnh hưởng. Các đơn vị chiến đấu của Anh, Mỹ và Pháp đều đã được triển khai tới khu vực.
Câu hỏi đặt ra nhiều nhất lúc này không còn là liệu phương Tây có can thiệp quân sự vào Libya hay không, mà là phương Tây sẽ can thiệp khi nào và như thế nào. Mục tiêu cũng đã được xác định đó là khu vực Syrte.
Khu vực Syrte, Libya sẽ là mục tiêu can thiệp quân sự của phương Tây trong thời gian tới. (ảnh: AFP). |
Việc nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo tự xưng biến thành phố cảng này thành thành trì tiếp theo sau Iraq và Syria là điều không thể chấp nhận đối với các nước châu Âu, nhất là khi Syrte chỉ nằm cách đảo Sicile của Italy khoảng 700 km về phía Nam.
Theo nhật báo Thế giới (Le Monde) của Pháp, cuộc chiến bí mật của Pháp ở Libya bao gồm chiến dịch trên bộ cùng một số đợt không kích nhằm vào các thủ lĩnh của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng và đều được tiến hành phối hợp với quân đội Mỹ và Anh.
Dù từ chối bình luận về thông tin này, song Bộ Quốc phòng Pháp cũng xác nhận không quân nước này có bay trinh sát ở Libya. Pháp cũng thiết lập một căn cứ quân sự ở phía bắc Cộng hòa Niger, sát biên giới với Libya.
Mỹ mới đây cũng đã phát động cuộc không kích tấn công một trại huấn luyện của IS tại Libya, giết chết ít nhất 50 chiến binh của tổ chức khủng bố khét tiếng này.
Như vậy, có thể nói Mỹ và các nước châu Âu dù chưa can thiệp trực tiếp nhưng luôn trong thế sẵn sàng trợ giúp chính quyền Libya cả về kỹ thuật và phương tiện và trong trường hợp cần thiết có thể tiến hành can thiệp quân sự trực tiếp.
Từ các căn cứ không quân đóng tại Italy hay tại Pháp, Liên minh châu Âu có thể tiến hành không kích IS trong vòng vài giờ bởi Libya là cửa ngõ quan trọng tiếp giáp ngay với Italy và xa hơn một chút là lãnh thổ Pháp. Và điều còn thiếu hiện nay đó là một chính phủ đoàn kết dân tộc được quốc tế công nhận tại Libya để hợp thức hóa các chiến dịch quân sự.
Theo Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper, một chính phủ ổn định tại Libya sẽ dễ dàng hơn cho Mỹ để nghiên cứu làm thế nào có thể phối hợp với Libya trong cuộc chiến chống nhóm nổi dậy này.
“Hiện có một hy vọng lớn rằng các đảng phái đối lập tại Libya sẽ đi tới thỏa thuận cuối cùng, sẽ thành lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc. Chúng tôi luôn muốn Libya sớm thành lập được chính phủ để chúng tôi có thể làm việc và từ đó có thể đạt được sự nhất về phối hợp hành động trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng”, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Clapper cho biết.
Khoảng trống quyền lực ở Libya kể từ sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011 đang giúp IS thuận lợi xâm nhập và mở rộng ảnh hưởng tại đất nước này.
Hiện có khoảng trên 3.000 tay súng thánh chiến ở Libya, IS đã thực hiện nhiều cuộc tấn công kể từ tháng 1/2016 vào các cơ sở khai thác dầu mỏ ở quốc gia Bắc Phi này.
Theo các nhà phân tích, thực tế này không chỉ khiến Mỹ và châu Âu đau đầu, mà còn khiến các nhà lãnh đạo khu vực “đứng ngồi không yên”, bởi nó đe dọa trực tiếp tới an ninh của các nước láng giềng Libya như Tunisia, Angieria, Niger, Cộng hòa Chad, Sudan và Ai Cập.
Ít nhiều cũng đang phải đối mặt với những mối nguy cơ từ chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, lãnh đạo những nước này dự kiến sẽ gặp nhau vào cuối tháng 3 này tại Tunisia để đánh giá những tác động khu vực của cuộc khủng hoảng an ninh, chính trị tại Libya./.