Phương Tây tìm cách để Tổng thống Syria tị nạn tại Nga

Tuy nhiên, Moscow đến nay vẫn phản đối một kế hoạch như vậy.

Nhật báo Kommersant ngày 4/7 trích dẫn một nguồn tin ngoại giao Nga cho biết, các nước phương Tây đang cố gắng để thương thảo với Nga về việc  mời Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông này. Tuy nhiên, Moscow đến nay vẫn phản đối một kế hoạch như vậy.

"Các nước phương Tây, trước hết là Mỹ đang tích cực thuyết phục Moscow nên trao cho nhà lãnh đạo Syria quyền tị nạn chính trị", tờ Kommersant viết.

"Tuy nhiên chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch nào như vậy", nguồn tin ngoại giao giấu tên cho Nhật báo Kommersant biết.

Trước đó, trong một phát biểu tháng 3/2012, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow không cung cấp quy chế tị nạn chính trị cho Tổng thống al-Assad.

Các nước phương Tây đang cố thuyết phục Nga mời Tổng thống al-Assad tị nạn chính trị tại Nga (Ảnh: Ria)
Kommersant cũng trích dẫn một nguồn tin từ một cơ quan đại diện ngoại giao phương Tây không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin về việc phương Tây đang tìm cách thuyết phục Nga cấp quy chế tị nạn cho Tổng thống Assad.

Hội nghị Ngoại trưởng của "nhóm hành động", trong đó bao gồm các cường quốc phương Tây, Nga và Trung Quốc diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 30/6 vừa qua đã đạt được sự đồng thuận “tối thiểu” về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp với đầy đủ quyền hành pháp ở Syria. Chính phủ này bao gồm các thành viên chính phủ đương nhiệm cũng như lực lượng đối lập và các nhóm khác sẽ được thành lập trên cơ sở đồng thuận chung. Đây là đề xuất của Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Kofi Annan.

Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây, trong đó có Mỹ cho rằng, Hội nghị tại Geneva cần phải làm rõ rằng, Tổng thống Assad phải ra đi. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 3/7 phát biểu nhấn mạnh rằng: "sự đồng ý lẫn nhau" là một cụm từ trong bản tuyên bố, và rằng "không ai có thể tưởng tượng việc phe đối lập có thể đồng ý bổ nhiệm ông Assad như là một thành viên của chính phủ chuyển tiếp”.

Trong khi đó, phe đối lập Syria, bao gồm các nhóm chính trị và các phong trào khác nhau cần phải bầu ra một đại diện chung để tổ chức các cuộc đàm phán với chính quyền Syria trong tương lai.

Theo số liệu ước tính của Liên Hiệp Quốc công bố tháng Năm vừa qua, đã có khoảng 10.000 người thiệt mạng tại Syria kể từ khi nổ ra các cuộc bạo loạn chống lại Tổng thống Bashar al-Assad (tháng 3/2011).

Trong khi đó, Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria - một tổ chức có trụ sở tại London với một mạng lưới các nhà hoạt động ở Syria cho rằng, số người thiệt mạng tại nước này đã lên tới 16.500 người. Trong số đó, có khoảng 5.000 binh sĩ chính phủ và binh sĩ quân đội đào ngũ.

Tháng Sáu được coi là tháng đẫm máu nhất của cuộc xung đột tại Syria tính đến nay, với khoảng 100 người thiệt mạng mỗi ngày.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cho đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp cuối cùng để giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Nga và Trung Quốc cho đến này vẫn từ chối bỏ phiếu thông qua bất kỳ một kế hoạch can thiệp nào từ bên ngoài vào Syria./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên