Phương Tây và Nga leo thang trừng phạt, khủng hoảng Ukraine bế tắc
VOV.VN - Cuộc chiến “trừng phạt” vì Ukraine giữa Nga và các nước phương Tây vẫn chưa thể dừng lại và đang có chiều hướng leo thang khi EU hôm nay (4/5) đang tính đến gói trừng phạt thứ 6.
Giữa lúc khủng hoảng Ukraine bế tắc; thế giới chỉ dám kỳ vọng vào “khoảng dừng nhân đạo” ngắn ngủi, hiếm có. Tổng thống Nga Putin hôm qua (3/5) đã ký sắc lệnh về các biện pháp kinh tế đặc biệt, trả đũa đối với các hành động không thân thiện của một số quốc gia và các tổ chức quốc tế. Theo sắc lệnh, các cá nhân và quốc gia “không thân thiện” nằm trong danh sách sẽ bị cấm thực hiện giao dịch với người Nga, mua các sản phẩm thô và tinh chế do Nga sản xuất, khai thác. Tuy nhiên, danh sách này chưa được công bố một cách chi tiết.
Động thái của Nga được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang tính toán gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Moscow, do tình hình Ukraine chưa thể cải thiện. Theo ông Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, gói trừng phạt thứ 6 sẽ nhằm loại bỏ thêm các ngân hàng Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), giải quyết các tác nhân thông tin sai lệch và vấn đề nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
“Chúng tôi đã thực hiện 5 gói lệnh trừng phạt và đang làm việc để chuẩn bị cho một gói trừng phạt mới. Các lệnh trừng phạt mới sẽ tập trung vào khía cạnh tài chính, năng lượng; sẽ có nhiều ngân hàng Nga sẽ được đưa ra khỏi hệ thống SWIFT. Trong vấn đề năng lượng, sẽ có các biện pháp liên quan đến việc nhập khẩu dầu của Nga”, ông Josep Borrell nói.
Theo các nguồn ngoại giao khác, lệnh trừng phạt mới nhất của EU sẽ ảnh hưởng đến Sberbank, ngân hàng cho vay hàng đầu của Nga. Gói trừng phạt mới dự kiến sẽ được trình lên 27 quốc gia thành viên EU để phê duyệt ngay trong ngày hôm nay (4/5).
Động thái của Nga và phương Tây khiến cuộc chiến trừng phạt giữa hai bên kéo dài. Theo nhận định của giới phân tích, các lệnh trừng phạt sẽ không giúp ích cải thiện tình hình Ukraine hiện nay và người dân Nga và các nước phương Tây mới là bên nhận lấy hậu quả.
Ông Dmitry Muratov là Tổng biên tập của tờ báo Novaya Gazeta và là người đạt giải Nobel hòa bình năm 2021 cho biết: “Tôi tin rằng các biện pháp trừng phạt không nên giống như tên lửa đất đối đất Grad được phóng bữa bãi, nhiều lần, bao phủ toàn bộ lãnh thổ. Việc cấm các chuyến bay đã dẫn đến những trường hợp y tế cấp cứu đau lòng, bao gồm cả việc bỏ lỡ những ca ghép tủy ở trẻ em. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nhiều người đã chết vì không được chữa trị kịp thời… tất cả chuyện này là sao?”.
Trong khi đó, Đức Giáo hoàng Francis hôm qua nhận định, không loại trừ khả năng NATO đã đóng một vai trò tiêu cực trong sự leo thang của cuộc khủng hoảng Ukraine. Những hành động của NATO gần biên giới Nga có thể đã dẫn đến phản ứng của Điện Kremlin tại Ukraine hiện nay.
Những diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình Ukraine khiến thế giới chưa thể lạc quan và có hi vọng. Tổng thống Nga hôm qua xác nhận với Tổng thống Pháp rằng, Nga vẫn luôn sẵn sàng đối thoại dù Ukraine chưa chuẩn bị nghiêm túc cho đàm phán. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Nga cũng cáo buộc phương Tây đang phớt lờ các tội ác do lực lượng Ukraine gây ra ở miền Đông nước này. Và để giải quyết vấn đề hiện nay, phương Tây nên ngừng cung cấp vũ khí và gây áp lực lên chính quyền Kiev.
Giữa lúc chiến sự Ukraine bế tắc, chưa rõ lối thoát, Ukraine hôm qua xác nhận, đã có hơn 150 dân thường được sơ tán khỏi nhà máy thép ở Mariupol. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm qua chỉ dám hi vọng Ukraine và Nga có thể tổ chức “thêm nhiều khoảng dừng nhân đạo”, để tiếp tục công tác sơ tán dân thường khỏi các vùng chiến sự nóng./.