Phương Tây viện cớ để can thiệp quân sự vào Syria?

Phó Thủ tướng Syria cảnh báo tấn công quân sự vào Syria là “điều không thể” vì sẽ biến cuộc xung đột thành chiến tranh trong khu vực

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 20/8 cảnh báo chính phủ Syria rằng, nước này sẽ sử dụng biện pháp can thiệp quân sự Mỹ nếu Syria sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), gồm vũ khí hóa học lẫn sinh học.

AFP dẫn lời ông Obama khẳng định hành động dùng đến WMD của quân chính phủ Syria không những gây hại cho dân Syria mà còn đẩy các đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực vào tình trạng nguy hiểm. Do đó, dù Mỹ vẫn chưa có ý định tấn công Syria, Lầu Năm Góc đã vạch sẵn các kế hoạch tác chiến trong trường hợp có biến cố bất ngờ.

Phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil: Tuyên bố  của Tổng thống Obama về vũ khí hóa học của Syria chỉ là cái cớ để phương Tây can thiệp quân sự vào nước này (Ảnh: Reuters)

Lấy cớ để tấn công Syria?

Tuy nhiên, RT dẫn lời Phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil nói rằng, tuyên bố  của Tổng thống Obama về vũ khí hóa học của Syria chỉ là cái cớ để phương Tây can thiệp quân sự vào nước này. Phó Thủ tướng Syria cũng nói rằng Syria sẵn sàng thảo luận việc Tổng thống Bashar Assad từ chức nhưng đó không thể là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán với phương Tây và phe đối lập.

"Phương Tây đang tìm một cái cớ để có thể can thiệp quân sự. Nếu cái cớ này không có tác dụng, họ sẽ tìm lý do khác", Phó Thủ tướng Qadri Jamil tuyên bố với các nhà báo sau cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tại Moscow.

Bình luận về tuyên bố hôm 20/8 của Tổng thống Barack Obama rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Syria triển khai vũ khí hóa học hoặc sinh học, ông Jamil nói rằng đây là những tuyên bố và lời đe dọa "liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ".

Phó Thủ tướng Jamil đã cảnh báo tấn công quân sự vào Syria là “điều không thể” vì nó sẽ biến cuộc xung đột thành chiến tranh trong khu vực. Ông nêu rõ: "Những người có dự tính này rõ ràng muốn nhìn thấy cuộc khủng hoảng lan rộng ra ngoài biên giới Syria".
Phó Thủ tướng Jamil cũng lưu ý đến sự tương đồng giữa mối quan tâm hiện nay của phương Tây về vũ khí hóa học của Syria và tình hình ở Iraq, nơi không bao giờ có thể xác định có hay không vũ khí hóa học.

Damascus muốn mở cửa cho “hoà giải dân tộc”

Phó Thủ tướng cho biết rằng Damascus sẵn sàng đàm phán với phe đối lập: "Chúng tôi đang sẵn sàng để thảo luận về việc Tổng thống Assad có thể từ chức. Nhưng đó không phải là điều kiện tiên quyết". Ông nhấn mạnh rằng một cuộc thảo luận về việc từ chức của Tổng thống Assad - mà cả phe đối lập và phương Tây đều mong muốn- chỉ có thể diễn ra sau khi các cuộc đàm phán bắt đầu.

"Đòi hỏi Tổng thống từ chức trước khi có cơ chế cho người dân Syria bày tỏ ý kiến của mình liệu có phải là một sự dân chủ? Không, đó là một nỗ lực để đưa ra quyết định về số phận chúng tôi", ông Jamil nói.

Các chính trị gia của cả Nga và Syria đều hy vọng rằng đặc phái viên mới được bổ nhiệm của Liên Hợp Quốc, ông Lakhdar Brahimi, sẽ theo sát Kế hoạch hoà bình 6 điểm của ông Kofi Annan và sẽ đưa ra quyết định trong các cuộc đàm phán tại Geneva.

Phó Thủ tướng Jamil nhắc lại rằng Damascus đã sẵn sàng để tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 17 tháng qua.
Tuy nhiên, ông Jamil nhấn mạnh rằng có một nghịch lý trong lập luận của phương Tây. Một mặt họ “than khóc” cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, nhưng mặt khác, họ lại đang "chọc gậy bánh xe".

Ông nói thêm rằng nước ngoài can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Syria chính là vấn đề ngáng đường cho việc giải quyết khủng hoảng đẫm máu ở đất nước này.

RT dẫn lời Phó Thủ tướng Jamil nói rằng chính phủ Syria đang nghiên cứu vấn đề hòa giải quốc gia và các bên nên thỏa hiệp.
Ông Jamil nói, Syria sẵn sàng bảo đảm an toàn cho các nhà hoạt động đối lập đã đi khỏi đất nước nhưng muốn quay trở về để cùng “giải quyết vấn đề của quốc gia”. Đây chính là một bước tiến theo hướng thực hiện hoà giải quốc gia.

"Tôi muốn nói với tất cả người dân Syria trong nước và ngoài nước... Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe tất cả mọi người. Chúng tôi luôn mở cửa chào đón các nhà lãnh đạo chính trị và phi chính trị, những người hiện đang ở nước ngoài", ông Jamil nói.

Theo RT, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng cho biết ông tin tưởng rằng vẫn còn một cơ hội cho hòa giải ở Syria, mặc dù "có quá nhiều trở ngại cho một giải pháp như vậy".
Ngoại trưởng Nga nói rằng "hoà giải" là cách duy nhất để chấm dứt đổ máu và đáp ứng điều kiện để người Syria bắt đầu đàm phán về tương lai.

Ông Lawrence Freeman từ tạp chí Intelligence Review của Mỹ đồng ý với nhận định cho rằng Mỹ đang tìm một cái cớ để can thiệp vào Syria.
"Những gì đang diễn ra bây giờ là chính xác những gì chúng ta đã thấy với kịch bản dẫn đến cuộc chiến tranh Iraq. Chúng ta cũng thấy điều tương tự đã xảy ra ở Libya ", ông Lawrence Freeman nói với RT. "Ý tưởng cho rằng chúng ta nên di chuyển 50.000-60.000 quân vào Syria để bảo vệ vũ khí hóa học là một cái cớ để lật đổ chính quyền"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên