Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt phát triển năng động
VOV.VN - Khẳng định được đưa ra tại Hội thảo bàn tròn trước thềm chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Ngày 1/6 tại Thủ đô Moscow (Nga), Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga đã tổ chức Hội thảo bàn tròn “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt trong điều kiện toàn cầu hoá. Các thành tựu, khó khăn và triển vọng của hợp tác trong thế kỷ 21”. Đây là hoạt động thiết thực góp phần củng cố quan hệ song phương Nga - Việt trước thềm chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào cuối tháng này.
Tham dự hội thảo bàn tròn là các học giả, nhà nghiên cứu thuộc các Viện Kinh tế, Viện Viễn Đông, Viện nghiên cứu chính trị - xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, đại diện của Uỷ ban về chính sách nông lương và sử dụng nguồn lợi thiên nhiên thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện), trường Kinh tế cao cấp của Nga, cũng như đại diện của Trung tâm nghiên cứu Nga và SNG thuộc Viện nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
Hội thảo bàn tròn “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt trong điều kiện toàn cầu hoá. Các thành tựu, khó khăn và triển vọng của hợp tác trong Thế kỷ XXI”. |
Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao 2 nước đã góp phần củng cố lòng tin chính trị, tạo động lực cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, cũng như tạo ra sự năng động và nội dung thực tiễn của quan hệ song phương Nga - Việt.
Do vậy, hội thảo này có ý nghĩa như là nỗ lực chung của giới doanh nghiệp và khoa học 2 nước nhằm góp phần tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại Nga - Việt trước thềm chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.
Đánh giá về ý nghĩa của cuộc hội thảo, ông Georgi Toloraya khẳng định, đây là giai đoạn quan trọng, sự chuẩn bị mang tính chuyên gia cho chuyến thăm cấp cao sắp tới. Hoạt động khoa học này cũng rất quan trọng đối với cả Nga và Việt Nam, vì hai nước đang soạn thảo khái niệm mới về hợp tác kinh tế đối ngoại, sự hoà nhập vào khu vực.
“Đối với Nga đó là hợp tác trong không gian đại Âu-Á, còn Việt Nam là nước châu Á duy nhất ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Việt Nam cần phải trở thành nơi thực hiện các dự án, là hình mẫu, cũng như là nơi thử nghiệm các ý tưởng chính sách chính trị và kinh tế Nga đã đưa ra để thực hiện chiến lược “hướng Đông”, hợp tác trong không gian đại Âu-Á, cũng như tham gia vào các tiến trình hội nhập khác”, ông Georgi Toloraya nêu rõ.
Các phát biểu tham luận tại hội thảo đề cập đến nhiều vấn đề như hiện trạng và triển vọng của quan hệ đối tác toàn diện Việt - Nga, cụ thể là hợp tác Nga - Việt trên các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, khoa học kỹ thuật; vai trò và vị trí của Việt Nam và ASEAN trong chiến lược hướng Đông của Nga; vai trò của khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu; kinh nghiệm cũng như các bài học của Việt Nam trong việc hoà nhập vào nền kinh tế toàn cầu; vị trí của hợp tác Nga - Việt trong các dự án hội nhập Âu-Á, cũng như nhân tố Trung Quốc trong quan hệ Nga - Việt.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những khó khăn, thách thức, cũng như đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ Nga - Việt trong bối cảnh hội nhập Âu-Á và toàn cầu hoá.
Trong bài phát biểu của mình, Tiến sỹ khoa học, Giáo sư Svetlana Glinkina - phụ trách “Các nghiên cứu chính trị và kinh tế quốc tế” của Viện Kinh tế đánh giá rằng, mặc dù tình hình kinh tế thế giới không khả quan và các lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ và phương Tây áp dụng đối với Nga có tác động đến quan hệ song phương Nga - Việt. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế Nga - Việt vẫn phát triển bền vững và hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ góp phần đưa quan hệ song phương Nga - Việt lên tầm cao mới.
Các đại biểu cũng đánh giá cao vai trò và vị trí của Việt Nam trong quan hệ Nga - ASEAN, cũng như trong sáng kiến kết nối ASEAN với Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Bà Anatasia Pyatachkova, Phó trưởng bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của Trung tâm nghiên cứu tổng hợp và quốc tế thuộc trường Kinh tế cao cấp của Nga cho rằng, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, việc Nga thúc đẩy chính sách châu Á-Thái Bình Dương là nhu cầu cấp bách, một yếu tố quan trọng để phát triển đất nước và duy trì vị thế là một cường quốc vĩ đại của Thế kỷ XXI.
Giáo sư Georgi Toloraya trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. |
“Việc hợp tác song phương sẽ giúp Nga mở rộng quan hệ trên quy mô lớn, thiết lập những hình thức hợp tác mới và mở rộng các tiềm năng kinh tế của nước Nga, đồng thời không chỉ thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế giữa Nga với Việt Nam và các nước ASEAN, mà còn cải thiện tình hình kinh tế khu vực các nước ASEAN”, bà Anatasia Pyatachkova khẳng định.
Hội thảo cũng nhận được thư chúc mừng của ông Andrei Kuchepov, Chủ tịch Uỷ ban về điều lệ và tổ chức hoạt động của Hội đồng Liên bang, trong đó nhấn mạnh hoạt động này sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ song phương cùng có lợi, góp phần mở rộng và đa dạng hóa hình thức hợp tác, đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ ổn định và hữu nghị Nga - Việt./.
Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga