Quan hệ Mỹ-Anh: Vì lợi ích 2 nước

Bất chấp nhiều khúc mắc, 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Anh khẳng định quan hệ đối tác chiến lược mang lại lợi ích cho cả 2 nước. 

Ngày 20/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã thảo luận một loạt vấn đề cấp bách, tập trung vào cuộc chiến Afghanistan, vụ tràn dầu, triển vọng hoà bình Trung Đông, kinh tế thế giới, vấn đề Lockerbie...

Thủ tướng Cameron có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Mỹ, đồng minh số một kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 5 vừa qua. Chuyến thăm bị phủ bóng đen trước sự giận dữ của dân chúng Mỹ về vụ tràn dầu do Tập đoàn Dầu khí Anh (BP) gây ra ở Vịnh Mexico và cáo buộc BP có liên quan đến quyết định phóng thích Al Megrahi, kẻ đánh bom chuyến bay Pan Am 103 của Mỹ trên bầu trời Lockerbie (Scotland) năm 1988.

Do sức ép ở trong nước đòi phải bênh vực Tập đoàn BP, trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, Thủ tướng Anh khẳng định, sự tồn tại của BP là rất quan trọng, việc Tập đoàn này vững mạnh và qua được cuộc khủng hoảng hiện nay có lợi cho cả hai nước.

Thủ tướng Cameron lưu ý, không nên lẫn lộn vụ tràn dầu với vụ đánh bom Lockerbie. Ông khẳng định, BP không có vai trò trong vịêc thả Al Megrahi, đồng thời cam kết Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ trong vụ này.

Tập đoàn BP xác nhận có vận động hành lang Chính phủ Anh năm 2007 về một thoả thuận chuyển giao tù nhân với Lybia vì lo sợ lợi ích thương mại của họ tại Lybia bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, BP bác bỏ liên quan đến cuộc đàm phán để thả Megrahi, kẻ bị kết án tù chung thân vì vụ đánh bom làm 270 người chết, trong đó có 189 người Mỹ. Năm 2009, Megrahi được thả vì lý do nhân đạo, nhưng hiện nay người này vẫn sống khoẻ mạnh tại Lybia. Thủ tướng Cameron bác bỏ lời kêu gọi mở cuộc điều tra về việc liệu BP có gây ảnh hưởng trong việc thả kẻ đánh bom Lockerbie hay không.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Obama, người có tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm do công chúng phẫn về vụ tràn dầu, đã tránh những lời lẽ cứng rắn mà ông thường dành cho hãng BP và cũng giảm nhẹ cuộc tranh cãi đang sôi sục quanh vụ Lockerbie.

Liên quan đến cuộc chiến ở Afghanistan: Thủ tướng Cameron cho biết, ông muốn 9.000 binh sỹ Anh rút khỏi cuộc chiến vào thời điểm Anh tổ chức cuộc bầu cử trước năm 2015. 

Về kinh tế toàn cầu, Tổng thống Obama và Thủ tướng Cameron đều khẳng định quyết tâm không để xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự. Tuy nhiên 2 nhà lãnh đạo vẫn còn bất đồng về chiến lược của mỗi bên trong khôi phục tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Cameron dẫn đầu chủ trương của các nước châu Âu muốn cắt giảm thâm hụt ngân sách, trong khi Mỹ cho rằng, giảm chi tiêu quá nhanh có thể cản trở đà phục hồi đang còn rất mong manh.    

Dana Alin, một chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (trụ sở tại London, Anh) bình luận: “Bất kể 2 nhà lãnh đạo có bàn vấn đề gì thì quan hệ 2 nước vẫn không bị sứt mẻ. Mỹ, Anh là các đồng minh thân cận, cùng sát cánh trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan, hợp tác tình báo sâu sắc và liên kết chặt chẽ trong các vấn đề toàn cầu”. 

Tuy các vấn đề mà hãng BP gây ra đang làm phức tạp mối quan hệ Mỹ-Anh, nhưng cả 2 nhà lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn thấy quan hệ 2 nước tiếp tục phát triển. Thủ tướng Anh tuyên bố, Liên minh Dân chủ -Tự do Bảo thủ mới của ông sẽ làm việc thực dụng mà không có vẻ phục tùng các lợi ích của Mỹ./.                                                                                     

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên