Quan hệ Mỹ - Trung không tránh khỏi xung đột
Thông qua cuộc đối thoại chiến lược, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung
Hôm nay (4/5), cuộc đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ tư tiếp tục diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Thông qua cuộc đối thoại lần này, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ còn nhiều bất đồng trong vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ và những quy định xuất nhập khẩu.
Phát biểu tại phiên họp ngày 3/5, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, hai nước cần tăng cường hợp tác dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng hai nước có thể chưa giải quyết được tất cả những khúc mắc còn tồn tại song phải tôn trọng những lợi ích cốt lõi của mỗi bên.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chụp ảnh với các nhân vật tham gia cuộc đối thoại Mỹ - Trung (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Tán đồng quan điểm trên, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng mỗi quan hệ Mỹ - Trung có sự phụ thuộc lẫn nhau và Mỹ có lợi ích to lớn trong quá trình phát triển kinh tế năng động của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Trong thế giới ngày nay không có nước nào có thể tách biệt vấn đề trong nước với các quan hệ quốc tế. Vì thế chúng ta cần phải hợp tác để thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung phát triển mà không còn những cạnh tranh bất lợi hay xung đột. Trong khi đó, chúng ta vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người dân mỗi nước và với cộng đồng quốc tế. Chúng ta đều biết rằng đây là hướng đi đúng đắn và chúng ta không thể tránh khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau”.
Tại cuộc đối thoại lần này, Mỹ và Trung Quốc đã đưa một vấn đề tồn tại khá lâu trong quan hệ kinh tế song phương, đó là tỷ giá đồng nhân dân tệ. Trong vòng 2 năm trở lại đây tỷ giá đồng nhân dân tệ đã tăng khoảng 13% so với đồng USD, song Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner vẫn tiếp tục kêu gọi Chính phủ Trung Quốc phải nâng giá đồng nội tệ của nước này. Bởi Mỹ cho rằng việc định giá thấp đồng Nhân dân tệ là nguyên nhân chính khiến cán cân thương mại nghiêng về phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh lại cho rằng, việc Mỹ hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng sang Trung Quốc chính là nguyên nhân khiến thặng dư thương mại của nước này đối với Mỹ tăng. Trung Quốc cho rằng nếu Mỹ nới lỏng hạn chế xuất khẩu các sản phẩm khoa học công nghệ cao, sản phẩm trong lĩnh vực quân sự và dân sự đối với Bắc Kinh thì không những có thể giảm thiểu xuất siêu thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ, mà còn có lợi cho sự phục hồi kinh tế Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh nói: “Nguyên nhân chính cản trở sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là việc Mỹ vẫn duy trì những hạn chế xuất khẩu đối với 2.400 mặt hàng của Trung Quốc. Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này trong vòng đối thoại nhưng chủ yếu là từ quan điểm chiến lược song Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner đã cam kết Mỹ sẽ có những thay đổi tích cực dần dần trong vấn đề này”.
Theo hãng tin AFP của Pháp, Trung Quốc đã đồng ý đàm phán về việc áp dụng các nguyên tắc quốc tế về cấp tín dụng xuất khẩu, một tín hiệu tích cực cho các nước nhập khẩu từ Trung Quốc bởi nước này đang siết chặt quản lý cấp tín dụng cho xuất khẩu, hạn chế bảo hộ các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời có thể hạn chế cả xuất khẩu không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Phóng viên VOV tại Bắc Kinh cho biết, cùng với việc tỷ giá đồng Nhân dân tệ ngày càng “giảm nhiệt”, vấn đề này có thể sẽ không còn là trọng tâm được hai bên bàn thảo như những cuộc đối thoại lần trước, mà thay vào đó là vấn đề bảo hộ sở hữu đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu cho biết, trong khuôn khổ đối thoại kinh tế lần này, hai bên sẽ tuyên bố tái khởi động đàm phán Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương. Các doanh nghiệp Mỹ thì cho rằng cuộc đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ tư giữa hai nước là cơ hội vàng để thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc mở các cuộc thảo luận về hiệp định đầu tư song phương theo đó cho phép các công ty nước ngoài có thể sở hữu các doanh nghiệp Trung Quốc.
Cùng với những thảo luận và cam kết về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao trên những diễn đàn quốc tế, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ tư giữa Mỹ và Trung Quốc đang rút ngắn những khoảng cách bất đồng giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế. Sự hợp tác của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể trở thành một động lực to lớn giúp kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái và tiếp thêm sức mạnh cho sự trỗi dậy của Trung Quốc./.