Quan hệ Trung - Mỹ: Đối xứng và thiết thực hơn
Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc đang có chuyến thăm Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm, người đứng đầu cơ quan lập pháp của Trung Quốc sang thăm Mỹ.
Sự kiện này không chỉ tiếp nối một loạt các hoạt động trao đổi ngoại giao dồn dập giữa Mỹ và Trung Quốc, mà đánh dấu bước tiến lớn về xây dựng lòng tin giữa hai bên. Nói như Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, quan hệ hai nước đang bước vào một giai đoạn phát triển lịch sử mới, trở nên tương xứng và thiết thực hơn.
Quốc hội Mỹ từng giữ thái độ dè chừng trong thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc trong một thời gian dài. Đặc biệt khi đảng Dân chủ giành đa số tại cơ quan này dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Bush, liên tục xảy ra tranh cãi giữa phe Dân chủ và Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ về các chính sách liên quan đến quan hệ với Trung Quốc. Các nghị sỹ Mỹ thường xuyên chỉ trích Trung Quốc có chính sách thả nổi tiền tệ, để một đồng nhân dân tệ yếu khiến hàng hoá của Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Mỹ, đe doạ “miếng cơm manh áo” của người lao động Mỹ. Bản thân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từng nổi tiếng với nhiều tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyến thăm của bà Pelosy tới Bắc Kinh tháng 5 vừa qua cùng một loạt các hoạt động trao đổi cấp cao giữa Quốc hội hai nước kể từ khi Tổng thống Obama lên cầm quyền, cho thấy chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đang thay đổi theo hướng hợp tác tích cực và thiết thực. Sự thay đổi này là tất yếu và cần thiết trong bối cảnh tương quan sức mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ thay đổi theo hướng cân bằng hơn, hai bên cần hợp tác để cùng hưởng lợi và cùng giải quyết các thách thức toàn cầu lớn đặt ra. Nghị sỹ Mark Kirk, thuộc nhóm công tác về quan hệ Mỹ- Trung thuộc Hạ viện Mỹ nói: “Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, do đó, cần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn. Chúng tôi mong đợi Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc tới làm việc với nhóm công tác về quan hệ Mỹ- Trung trong Hạ viện Mỹ. Nhóm này có tới 70 nghị sỹ với mục đích thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc.”
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào nhau hơn bao giờ hết và chính mức độ phụ thuộc lớn đã điều hoà mối quan hệ Mỹ- Trung trở nên cân bằng, mang tính hợp tác hơn thay vì tư tưởng đối đầu trước kia. Sự bất đồng và chia rẽ trong nội bộ các đảng phái, các cơ quan chính trị của Mỹ về quan hệ với Trung Quốc đã giảm đáng kể. Thay vào đó, người ta nói tới một sự hợp tác mà hai bên cùng “thắng”. Nghị sỹ Rick Larsen, đồng chủ tịch nhóm công tác về quan hệ Mỹ- Trung thuộc Hạ viện Mỹ nói: “Chúng tôi chào đón một mối quan hệ cởi mở, đối thoại thẳng thắn, hai bên cùng có lợi, hai bên cùng thắng. Dĩ nhiên, hai bên còn nhiều bất đồng nhưng có nhiều cơ hội để giải quyết những khác biệt và bất đồng đó. Tôi tin tưởng rằng chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma sẽ cùng chính quyền Trung Quốc hợp tác giải quyết những tồn tại giữa hai bên cũng như cũng như tìm giải pháp cho các vấn đề lớn trên thế giới mà hai bên cùng quan tâm.”
Cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Trung- Mỹ lần đầu tiên được tổ chức tháng 7 vừa qua cũng cho thấy nếu muốn hướng tới quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai gần, hai bên cần phải xây dựng lòng tin ở nhiều cấp độ, không chỉ dừng lại ở các thoả thuận chính phủ. Hiện nay, có khoảng 60 cơ chế đối thoại các cấp giữa Mỹ và Trung Quốc. Và chuyến thăm lần đầu tiên của một Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc đến Mỹ trong vòng 20 năm qua cho thấy Bắc Kinh cũng đã sẵn sàng trước sự cởi mở từ phía Quốc hội Mỹ. Ông Ngô Bang Quốc nhấn mạnh đến mục tiêu cải thiện cái nhìn của Quốc hội Mỹ với Bắc Kinh; tạo điều kiện thực hiện “sự đồng thuận” giữa Tổng thống Ôbama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào làm sâu sắc quan hệ giữa hai bên trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, “bắt đầu một giai đoạn mới" cũng có nghĩa là bắt đầu quá trình xây dựng lòng tin còn chưa hoàn chỉnh. 30 năm kể từ khi được thiết lập, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là mối quan hệ phức tạp và đầy thăng trầm nhất trong nền chính trị quốc tế. Phía trước cả hai nước, còn rất nhiều việc phải làm./.