30 năm thảm họa Chernobyl: Sự sống đang hồi sinh từ vùng đất chết
VOV.VN - Ukraine đang chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 30 năm thảm họa Chernobyl- thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sự thế giới từ trước đến nay.
Theo AFP, cho đến nay, con số người thiệt mạng trong vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn là bí ẩn và thảm họa này vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân địa phương.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau thảm họa hạt nhân 30 năm trước. Ảnh AFP
Các chuyên gia ước tính, còn khoảng 200 tấn urani trong lò phản ứng hạt nhân bị nổ 30 năm trước. Điều này khiến họ lo ngại về khả năng rò rỉ phóng xạ nhất là trong bối cảnh công trình mái vòm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã quá cũ nát và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.
Các nhà tài trợ quốc sẽ nhóm họp vào ngày 25/4 để bàn thảo về kế hoạch cung cấp tài chính để xây dựng một mái vòm bao bọc nhà máy lò phản ứng hiện đại hơn và có thể tồn tại ít nhất trong 100 năm để đảm bảo rằng, thế hệ tương lai của Ukraine sẽ không phải sống trong sợ hãi.
Tuy nhiên, bất chấp cam kết của cộng đồng quốc tế, hiện vẫn chưa rõ ai sẽ trả tiền cho chiến dịch xây dựng mái vòm mới bao quanh lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2017.
Thời khắc kinh hoàng 26/4/1986
Vào lúc 1h23 sáng 24/6/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nằm cách thủ đô Kiev khoảng 100km bất ngờ phát nổ trong một cuộc kiểm tra an toàn.
Trong suốt 10 ngày sau đó, lò phản ứng này phun trào phóng xạ độc hại gây ô nhiễm tới 3/4 châu Âu. Giới chức địa phương đã sơ tán khoảng 116.000 người ra khỏi “khu vực đặc biệt” có bán kính lên đến 30km từ nơi xảy ra vụ nổ.
Khoảng 600.000 người, chủ yếu là quân nhân, cảnh sát, lính cứu hỏa đã được điều động để giúp ngăn chặn chất phóng xạ lan rộng. Họ cũng chính là những người đã xây dựng mái vòm bao quanh lò phản ứng hạt nhân bị nổ nhằm ngăn không để phóng xạ rò rỉ.
Một người đàn ông bước gần mái vòm bao quanh lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Ảnh AFP |
30 năm sau, số người thiệt mạng trong những ngày diễn ra vụ nổ và nhiều năm sau đó do bị nhiễm xạ vẫn là chủ đề gây tranh cãi gay gắt.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào năm 2005 ước tính khoảng 4.000 người (chủ yếu là ở Ukraine, Nga và Belarus hiện nay) đã thiệt mạng do ảnh hưởng của phóng xạ từ thảm họa Chernobyl.
Tuy nhiên, một năm sau, Tổ chức Hòa bình Xanh lại đưa ra một con số khác gây “sốc” hơn nhiều là 100.000 người.
Vẫn cần thêm ít nhất 100 triệu USD
Trong bối cảnh công trình mái vòm được xây một cách vội vã bao quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã hư hại và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Ukraine từ năm 2010 đã bắt tay vào xây dựng một mái vòm thép khác nặng 25.000 tấn thay thế mái vòm cũ.
Mái vòm thép mới này có diện tích gấp đôi một sân bóng đá và cao tới 110m - cao hơn một chút so với tháp Đồng hồ Big Ben ở London (Anh) và nặng gấp 3 lần so với Tháp Eiffel của Pháp.
Số tiền 2,4 tỷ USD để xây dựng mái vòm này được hơn 40 quốc gia và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu đóng góp. Ngoài ra, nhóm G7 và Hội đồng châu Âu (EC) sẽ đóng góp thêm khoảng 165 triệu USD.
Cảm giác khó tả ở “Thị trấn ma” Chernobyl 2016
Tuy nhiên, Ukraine vẫn cần thêm khoảng 100 triệu USD để có thể giải quyết toàn bộ số lượng nhiên liệu hạt nhân còn lại trong các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Thậm chí, ngay cả khi khoản tiền 100 triệu USD được cung cấp, hiện vẫn chưa rõ ai sẽ chi trả số tiền vận hành mái vòm này khi nó được dựng lên.
Hiện hầu hết công việc xây dựng mái vòm này đã hoàn tất. Mái vòm mới này được trang bị rất nhiều công nghệ hiện đại để đảm bảo rằng, nếu có chuyện gì xảy ra với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, mái vòm này đủ khả năng ngăn chặn các chất phóng xạ độc hại rò rỉ ra ngoài.
Sự sống đang dần trở lại
Khi mới đặt chân vào “khu vực đặc biệt”, người ta chỉ nhìn thấy một vùng rộng lớn toàn cây cỏ dai. Mọi thứ đều trống trải và vô hồn. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, không khó để nhận ra một vài ngôi nhà- dấu hiệu của sự sống- đã bắt đầu mọc lên.
Động vật vẫn sinh sôi kỳ lạ tại "vùng đất chết" Chernobyl
Hiện có khoảng 140 người sống tại “khu vực đặc biệt”, họ chủ yếu quay trở về chỉ vài năm sau khi thảm họa Chernobyl xảy ra. Trong số này có ông Ivan 81 tuổi và vợ là bà Maria.
Ông Ivan chia sẻ: “Chúng tôi đã trở lại. Việc này không khó khăn gì cả, giới chức địa phương không cản trở gì chúng tôi.
Cuộc sống của chúng tôi ở đây ra sao ư? Khi tôi quay trở lại mọi thứ đã khác rất nhiều. Đã từng có rất nhiều người sinh sống tại đây nhưng họ đã đi cả. Cuộc sống là như vậy mà”.
Khung cảnh hoang dã tại đây đã bắt đầu thu hút nhiều khách du lịch và mức độ phóng xạ tại một số khu vực đã ở mức bình thường đồng nghĩa với việc họ có thể ở lại đây trong thời gian ngắn./.