4 điều đáng lưu ý trong cuộc bỏ phiếu đại cử tri bầu Tổng thống Mỹ
VOV.VN - Sau cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn ngày 14/12, ông Joe Biden đã chính thức được xác nhận là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ.
Tuy vậy cuộc chiến pháp lý của tổng thống Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử vẫn chưa chấm dứt và giới phân tích cho rằng cuộc chiến này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến nền chính trị của nước Mỹ. Hầu hết đại cử tri ở những bang chiến địa quan trọng – nơi mà ông Trump đang thách thức kết quả kiểm phiếu đều ủng hộ ông Biden. Dưới đây là 4 điều đáng lưu ý về tác động lâu dài của việc Tổng thống Trump từ chối công nhận kết quả, chiến thắng của ông Biden và tương lai tiến trình dân chủ ở Mỹ.
Biden một lần nữa giành chiến thắng
Ông Biden đã được bầu làm Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Đây có vẻ như không phải tin mới đối với những người đã theo dõi các sự kiện trong 5 tuần qua khi xét đến thực tế là ông Biden đã đánh bại ông Trump khi hơn 7 triệu phiếu bầu. Nhưng cuộc bầu cử vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ cho đến cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn diễn ra hôm 14/12.
Theo AP, Reuters và hàng loạt hãng truyền thông của Mỹ, kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại hầu hết các bang đã xác nhận chiến thắng trong ngày bầu cử phổ thông 3/11 của ông Joe Biden Và như vậy, ông Joe Biden đã giành hơn mức tối thiểu 270 phiếu đại cử tri để trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Câu hỏi hiện giờ là những người Cộng hòa từ chối công nhận kết quả bầu cử sẽ phản ứng ra sao trước thông tin không mấy ngạc nhiên này. Sau cuộc bầu cử ngày 3/11, nhiều người, trong đó có Thượng nghị sĩ Mitch McConnell – lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện lập luận rằng kết quả cuộc bầu cử là do các phương tiện truyền thông công bố chứ chưa có sự xác nhận chính thức từ đại cử tri đoàn. Nhưng sau cuộc bỏ phiếu của đại cử tri, lập luận này dường như đã không còn sức thuyết phục.
Lo ngại tác động của cuộc chiến pháp lý
Đa số đại cử tri đã bỏ phiếu bầu cho ông Biden. Thế nhưng hôm qua khi phát biểu với Fox News, Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Stephen Miller khẳng định đã có “sự gian lận trong kết quả bầu cử” và nói rằng “một nhóm đại cử tri thay thế” ở các bang có tranh chấp về kết quả bầu cử sẽ bỏ phiếu và sẽ gửi kết quả bỏ phiếu tới Quốc hội.
Ông Miller không phải là nhân vật duy nhất phản đối chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Phần lớn các thành viên trong đảng Cộng hòa vẫn công khai từ chối kết quả bầu cử ngay cả khi kết quả phiếu bầu phổ thông đã được 50 tiểu bang xác nhận, các đại cử tri đã bỏ phiếu cho ông Biden và Tòa án Tối cao bác bỏ vụ kiện pháp lý mà đội ngũ của ông Trump cho là “vụ kiện quan trọng nhất lịch sử”.
Một số thành viên đảng Cộng hòa lo ngại, nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump cũng như những thông điệp mà ông và đồng minh đưa ra có thể làm suy yếu các cơ quan điều hành bầu cử Mỹ. Stuart Stevens, một chiến lược gia lâu năm của Đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích Trump trên trang cá nhân Twitter rằng: “Đa số các thành viên của một đảng phái lớn đã quay lưng với nền dân chủ. Thật ngây thơ khi tin rằng điều đó sẽ không gây ra bất cứ hậu quả gì”.
Hạ nghị sĩ Mỹ Paul Mitchell của bang Michigan thông báo trong một bức thư ngày 14/12 rằng ông sẽ rời khỏi đảng Cộng hòa, với lý do chính bắt nguồn từ hành động của Tổng thống Donald Trump sau cuộc bầu cử ngày 3/11. Bức thư có đoạn viết: “Tôi cho rằng những toan tính chính trị đơn thuần chứ không phải sự lo ngại về hiến pháp hay tính toàn vẹn của cuộc bầu cử, đã thúc đẩy nhiều nhân vật cấp cao trong đảng Cộng hòa ủng hộ nỗ lực ngăn chặn cái mà họ cho là “hành vi đánh cắp cuộc bầu cử”. Điều này khiến tôi vô cùng thất vọng”.
Cuộc bỏ phiếu đại cử tri khác với thông lệ
“Tôi hy vọng bạn có thể nhìn thấy tôi mỉm cười sau chiếc khẩu trang”, đây là chia sẻ của bà Nancy Mills, Chủ tịch đảng Dân chủ bang Pennsylvania sau khi bang này công bố 20 phiếu đại cử tri thuộc về liên danh Biden/Harris. Trước đó, ông Biden đã đánh bại ông Trump tại Pennsylvania khi hơn tới 81.000 phiếu bầu phổ thông.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri cũng diễn ra khác hơn so với thông lệ. Ngay từ sáng 14/12, các đại cử tri đã bắt đầu tập hợp tại trụ sở cơ quan lập pháp tại các bang trên toàn quốc. Quá trình này được theo dõi trực tiếp qua video, thậm chí phát đi trên các kênh truyền hình. Do ảnh hưởng của đại dịch, các đại cử tri phải đeo khẩu trang và tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội. Dù diễn ra theo hình thức trực tuyến nhưng các nghi thức trang trọng vẫn được thực hiện đầy đủ.
Tại bang Pennsylvania, cuộc bỏ phiếu đã được tiến hành một cách suôn sẻ và không có bất cứ sự gián đoạn nào. Bà Nancy Mills cho biết: “Chúng tôi là bang đã đưa ông Joseph R. Biden và bà Kamala Harris vượt qua ngưỡng 270 phiếu đại cử tri. Chúng tôi đã lấy lại phẩm giá và danh dự cho nước Mỹ”.
Bên trong trụ sở Quốc hội ở bang Georgia, các đại cử tri của đảng Dân chủ đã nhóm họp để bỏ phiếu bầu chọn ông Biden làm tổng thống và bà Kamala Harris làm phó Tổng thống. Đây là lần đầu tiên trong 28 năm qua, bang này bầu chọn cho ứng viên của đảng Dân chủ. “Chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ hiến pháp của mình”, bà Nikema Williams, Chủ tịch đảng Dân chủ tại Georgia tuyên bố.
Ông Trump và đồng minh quyết không bỏ cuộc
Ở một số bang, một nhóm các thành viên của đảng Cộng hòa đã tiến hành các nghi thức bỏ phiếu cho những “đại cử tri thay thế” ủng hộ ông Trump dù những phiếu bầu của các đại cử tri này được cho là khó tác động đến kết quả cuộc bầu cử. David Shafer, Chủ tịch Đảng Cộng hòa tại bang Georgia giải thích đây là nỗ lực nhằm mở rộng các lựa chọn pháp lý của Tổng thống Trump.
Tại bang Pennsylvania, đảng Cộng hòa đã thông báo về một cuộc họp của “đại cử tri riêng rẽ” ủng hộ ông Trump ở Harrisburg. Nỗ lực của phe Cộng hòa ở Pennsylvania bắt nguồn từ tiền lệ trong cuộc bầu cử năm 1960 giữa các ứng cử viên Tổng thống Dân chủ John F. Kennedy và ứng viên Tổng thống Cộng hòa Richard M. Nixon. Kết quả ban đầu cho thấy Nixon giành thắng lợi ở Hawaii. Nhưng sau khi Hawaii kiểm phiếu lại, phần thắng chuyển sang cho Kennedy. Sau khi xem xét, Quốc hội Mỹ đã lựa chọn lá phiếu của nhóm đại cử tri thay thế thuộc đảng Dân chủ./.