9 điểm nhấn quan trọng trong di sản của Tổng thống Mỹ Barack Obama
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10/1 (tức 11/1 theo giờ Việt Nam) sẽ có bài phát biểu cuối cùng trước khi từ nhiệm vào ngày 20/1 tới.
Nhân dịp này, AFP đã điểm lại 9 điểm nhấn quan trọng trong di sản của Tổng thống Mỹ Barack Obama:
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP
1. Người làm nên lịch sử
Nếu các sử gia chỉ được viết một điều duy nhất về ông Obama, có thể họ sẽ ghi rằng, 143 năm sau khi chế độ nô lệ bị xóa bỏ- một Thượng nghị sĩ trẻ ở bang Illinois đã trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.
Vào thời điểm lễ nhậm chức năm 2009, ông Obama khi đó mới 47 tuổi đã thực hiện một chiến dịch tranh cử rất thành công với thông điệp “hy vọng và thay đổi”.
Sau khi lên nắm quyền, ông cũng rất nỗ lực để biến thông điệp đó thành hiện thực. Tuy nhiên, những vấn đề nổi cộm trong xã hội Mỹ như việc cảnh sát da trắng bắn hạ người da màu đã khiến nỗ lực đó nhiều lúc bị “phủ một bóng đen”. Dù vậy, chỉ riêng việc ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ cũng đã là một sự thay đổi rất lớn về quan niệm trong xã hội Mỹ đương đại.
2. Vực dậy nền kinh tế Mỹ
Trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống của ông Obama, nền kinh tế Mỹ rơi vào trạng thái “rơi tự do”. Cuộc khủng hoảng bất động sản dẫn đến suy thoái tài chính đã “công phá” dữ dội Thị trường Phố Wall trước khi đẩy cả thế giới vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Những nỗ lực của ông Obama trong việc duy trì các gói kích thích kinh tế cũng như đảm bảo chi tiêu công của Chính phủ ở mức 831 tỷ USD đã được đền đáp xứng đáng.
Khi ông Obama rời nhiệm sở năm 2017, dù kinh tế Mỹ vẫn còn rất khó khăn nhưng Chính phủ của ông vẫn duy trì được việc tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong 75 tháng liên tục.
Aleppo thách thức di sản của Tổng thống Mỹ Barack Obama
3. Tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden
“Tối nay, tôi có thể thông báo với người dân Mỹ và thế giới rằng, Mỹ đã tiến hành xong chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden”, ông Obama tuyên bố ngày 2/5/2011.
Tuyên bố trên của ông Obama đã phần nào dẹp được sự tức giận và thất vọng của người dân Mỹ về việc, nước Mỹ hùng mạnh của họ trong nhiều năm qua đã không thể bắt giữ được trùm khủng bố Osama bin Laden- kẻ lên kế hoạch vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Chiến dịch đầy mạo hiểm này cũng là “lời lý giải thuyết phục nhất” cho biện pháp “sử dụng máy bay không người lái và đột kích” đầy tranh cãi trong cuộc chiến chống khủng bố của ông Obama. Dù sau khi ông Obama từ nhiệm, al-Qaeda vẫn còn tồn tại nhưng vai trò của tổ chức khủng bố này đã mờ nhạt.
4. Sự phản đối của Đảng Cộng hòa
“Một trong những điều đáng tiếc nhất trong khi làm Tổng thống của tôi là sự chia rẽ và nghi kỵ giữa 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa ngày càng tệ hơn thay vì tốt lên” ông Obama nói trong bản Thông điệp Liên bang cuối cùng.
Ngay khi ông Obama lên nắm quyền, Đảng Cộng hòa đã lên tiếng sẽ chống lại ông đến cùng. Điều này dẫn đến việc, những nỗ lực của ông trong việc đóng cửa nhà tù trên Vịnh Guantanamo cũng như thúc đẩy kiểm soát chặt chẽ súng đạn ngay cả sau vụ thảm sát các sinh viên tại Sandy Hook đều “đổ xuống sông xuống biển”.
5. Bí mật đàm phán với Iran
Trong suốt 2 thập kỷ qua, Mỹ liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn và tiến hành nhiều chiến dịch ngầm nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Obama đã thực thi một chiến thuật khác là tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với Iran.
“Canh bạc” này của ông Obama đã thu được thành công lớn khi Iran chấp thuận làm chậm tiến độ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này để đổi lấy việc quốc tế nới lỏng lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Dù việc này khiến quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh như Israel và Saudi Arabia sứt mẻ nghiêm trọng nhưng ít nhất nỗ lực của ông Obama cũng giúp ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang tại Trung Đông và “tháo ngòi nổ” căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Giải phóng Mosul- nước cờ đầy mạo hiểm của Tổng thống Mỹ Obama
6. Syria vẫn chưa đạt được bước tiến nào
Chưa có một khủng hoảng quốc tế nào lại được coi là “liều thuốc thử mạnh” đối với chính sách ngoại giao của ông Obama như việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria.
Bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Mỹ nhằm lật đổ Tổng thống Syria Basahr al-Assad, vị thế của ông Assad không những không lung lay mà còn được củng cố vững chắc hơn nhờ sự hậu thuẫn của Nga và Iran. Cuộc khủng hoảng Syria vì thế được cho là sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm ngay cả khi ông Obama đã từ nhiệm.
Chính vì thế, ông Obama được cho là sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm của những chỉ trích liên quan đến chính sách của ông tại Syria khiến ông bị cáo buộc là đã hủy hoại thanh danh của nước Mỹ, tạo điều kiện cho IS trỗi dậy, khiến châu Âu bất ổn và “khoanh tay đứng nhìn” Nga và Iran mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.
7. Nỗ lực chống biến đổi khí hậu
Suốt 8 năm làm Tổng thống Mỹ, ông Obama đã liên tục thúc đẩy và công bố nhiều đạo luật về môi trường liên quan đến việc bảo vệ hệ sinh thái biển, hạn chế lượng khí thải carbon và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Trong những nổ lực nhằm thu hút sự ủng hộ của các nhà hoạt động vì môi trường, ông Obama đã đi bộ trên những tảng băng ở Alaska, lặn bằng vòi hơi tại Đảo Midway và nhanh chóng thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
8. Đạo luật chăm sóc y tế Obamacare
Từ nhiều thập kỷ qua, Đảng Dân chủ đã rất nỗ lực để mang đến cho người dân Mỹ dịch vụ chăm sóc y tế toàn diện. Dù ông Obama không hoàn toàn làm được điều này nhưng ít nhất ông cũng mở rộng diện được hưởng bảo hiểm y tế cho hàng chục triệu người dân Mỹ chưa từng được hưởng dịch vụ này.
Dù Đảng Cộng hòa từng lên tiếng chỉ trích dữ dội Obamacare và còn cho rằng nó không thể thành hiện thực được nhưng họ cũng không thể ngăn ông Obama thông qua dự luật này. Tuy nhiên, rất có thể Obamacare sẽ bị dẹp bỏ khi ông Trump lên nắm quyền sau ngày 20/1.
‘Nước Mỹ sẽ rất nhớ Barack Obama’
9. Cởi mở hơn với “những người hàng xóm”
Chuyến thăm lịch sử của ông Obama đến Cuba có thể được ví như chuyến thăm của ông Nixon đến thăm Trung Quốc năm 1972. Hơn thế nữa, chuyến thăm của ông Obama còn được coi là “đặt nền tảng” cho việc Mỹ cải thiện quan hệ với các quốc gia Mỹ Latin vốn không mấy thiện cảm với Mỹ.
Chỉ chưa đầy 100 ngày sau khi lên nhậm chức, ông Obama đã tuyên bố với lãnh đạo các nước Mỹ Latin tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ rằng, nước Mỹ đã thay đổi và sẽ trở nên thân thiện hơn với họ.
Ông Obama đã bắt tay Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, gặp gỡ lãnh đạo Nicargua Daniel Ortega và đến viếng lăng mộ một linh mục có tiếng người Nicargua từng bị một nhóm phiến quân thân Mỹ sát hại.
Tổng thống Obama cũng lên tiếng thừa nhận “sai lầm” của Mỹ khi tiến hành cuộc đảo chính tại Chile để đưa nhà độc tài Augusto Pinochet lên nắm quyền. Ngoài ra, ông Obama cũng công bố những tài liệu về việc Mỹ có liên quan trong “cuộc chiến bẩn thỉu” tại Argentina./.