AMM-49 khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN với các vấn đề khu vực
VOV.VN - Trước nhiều thách thức từ bên trong và bên ngoài, AMM-49 đã thành công khi giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và sự đoàn kết trong hiệp hội
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) tại Vientiane, Lào đã kết thúc ngày 26/7/2016 và đạt được Tuyên bố chung, trong đó, thẳng thắn bày tỏ quan ngại về căng thẳng thời gian qua ở Biển Đông.
Diễn ra trong bối cảnh Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982) vừa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, Hội nghị đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông quốc tế khi coi AMM-49 như là “phép thử” đối với sự đoàn kết trong ASEAN.
Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đạt được Tuyên bố chung của AMM-49 nhưng không nhắc đến phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế, báo chí phương Tây ngay lập tức gọi đây là thất bại của ASEAN trước sức ép từ bên ngoài, đồng thời xoáy sâu cho rằng, nội bộ của hiệp hội đã bị rạn nứt vì vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, tại Hội nghị này, nếu chỉ nhìn vào một văn kiện là Tuyên bố chung mà cụ thể hơn nữa là chỉ chú ý xem ASEAN có đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài hay không thì rõ ràng là phiến diện, không thể thấy hết được mối quan tâm của Hiệp hội.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại AMM-49.
Bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN trước sóng gió
Không thể phủ nhận thực tế, đó là trong bối cảnh hiện nay, vấn đề quan tâm lớn đầu tiên đối với ASEAN là vai trò trung tâm, đoàn kết của các nước thành viên trước những diễn biến gần đây trong khu vực cũng như trên thế giới, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.
ASEAN có được vai trò trung tâm hay không thì yêu cầu đầu tiên là các quốc gia thành viên phải đoàn kết, ngược lại, nếu không có được sự đoàn kết cũng đồng nghĩa với việc không có được vai trò trung tâm. Nếu mất đi vai trò trung tâm thì điều này cũng đồng nghĩa với việc ASEAN không còn giá trị trong các cấu trúc của khu vực.
Trên thực tế, không có một tổ chức quốc tế hay một tổ chức khu vực nào lại có được một cơ chế thu hút được tất cả các nước lớn đều muốn tham gia, xin tham gia như ASEAN. Tất nhiên, điều này có được là bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố địa chính trị.
Thứ hai, nếu nói đến vai trò trung tâm của ASEAN, có thể thấy một hiệp hội có 10 nước với những thể chế chính trị khác nhau, điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa không giống nhau, trình độ phát triển không đồng đều thì để đạt được sự đồng thuận không phải dễ.
Tuy nhiên, ASEAN đã làm khá tốt vai trò của mình và thực tế là không có nhiều tổ chức trên thế giới có thể làm được như ASEAN. Nếu như bỏ qua vấn đề Biển Đông thì từ trước đến nay, ASEAN luôn là một khối đồng thuận.
Thừa nhận những thách thức mà ASEAN phải đối mặt, nhưng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh kết quả tích cực của AMM-49: “Đến Hội nghị lần này, có hai vấn đề nổi lên. Thứ nhất là làm thế nào để ASEAN giữ vững được sự đoàn kết. Thứ hai là đảm bảo hòa bình và an ninh của khu vực. Trong bối cảnh hiện nay, các vấn đề an ninh phi truyền thống, khủng bố hay đằng sau đó là sự cạnh tranh chiến lược của các nước cũng đe dọa ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Việc ra tuyên bố chung khẳng định lập trường rất quan trọng của ASEAN trên các vấn đề lớn, vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề Biển Đông. Và tuyên bố chung đó không phải chỉ là vấn đề của riêng khu vực”.
Ông Lê Hoài Trung cho biết thêm: “Việc thông qua được tuyên bố chung chứng tỏ các nước đã thấy có rất nhiều lợi ích chung trong hợp tác của ASEAN, vì vậy đã thúc đẩy giải quyết vấn đề. Ngoài việc ra được tuyên bố và các văn bản khác nhau thì vấn đề quan trọng là chính qua quá trình cùng nhau làm việc để đạt được điều đó, các nước ASEAN càng thấy rõ hơn là phải làm sao cùng nhau tăng cường vai trò trung tâm, tăng cường đoàn kết, không phải chỉ tại riêng hội nghị này mà cả các hội nghị trong thời gian tới”.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. |
4 tuyên bố quan trọng được thông qua
Hội nghị AMM-49 không phải chỉ có một Tuyên bố chung mà còn có ba tuyên bố khác đều liên quan đến vai trò trung tâm, vấn đề đoàn kết và vấn đề hòa bình, ổn định. Thực tế chưa bao giờ Hội nghị của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lại có thêm Tuyên bố của các Bộ trưởng về vấn đề duy trì hòa bình, ổn định khu vực – vấn đề vốn đã được nêu trong Tuyên bố chung.
Nếu chỉ thoáng nhìn qua, tưởng như nội dung này không có gì mới đáng chú ý nhưng có một ý quan trọng, đó là yêu cầu các nước tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN – đây là điểm mới mà các Hội nghị trước chưa bao giờ có.
Tuyên bố của các Bộ trưởng về vấn đề duy trì hòa bình, ổn định khu vực xuất phát từ thực tế là vai trò trung tâm của ASEAN đang bị ảnh hưởng do sự đoàn kết nội bộ bị đặt trước những thách thức mới.
Mặc dù bản thân Tuyên bố chung của AMM-49 cũng đã đề cập đến duy trì hòa bình, ổn định nhưng việc ra thêm một Tuyên bố riêng cấp Bộ trưởng cho thấy mối quan tâm đặc biệt của ASEAN đối với vấn đề này.
Điểm đáng chú ý thứ hai là AMM-49 đã có một Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tiến tới hoàn tất đàm phán về Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Tuyên bố này chỉ nhắc lại những nội hàm của DOC nhưng nó có được ở thời điểm hết sức quan trọng, đặc biệt sau khi Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 vừa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng.
Có thể thấy, Tuyên bố này đạt được là do ASEAN chủ trương thúc đẩy tuân thủ DOC, tiến tới hoàn tất COC trong khi Trung Quốc dường như đang muốn “lái” sự chú ý của dư luận khỏi phán quyết của Tòa trọng tài bằng cách đề cập đến DOC và COC.
Nhân dịp này, các Bộ trưởng tham dự AMM-49 cũng đã thông qua Tuyên bố kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Thân thiện và Hữu nghị (TAC), tiếp tục đề cao giá trị, tầm quan trọng cũng như các mục tiêu và nguyên tắc của Hiệp ước và chấp thuận đề nghị tham gia TAC của Chile, Iran, Morocco và Ai Cập.
Đây không chỉ đơn thuần là việc Thông qua một tuyên bố vào dịp kỷ niệm mà bao hàm trong đó là vai trò trung tâm của ASEAN, vấn đề đoàn kết trong hiệp hội.
Có thể nói, từ trước đến nay, các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chưa từng có những văn kiện bổ sung thêm về những vấn đề đã được nêu trong tuyên bố chung như tại AMM-49 lần này. Chính vì lẽ đó, có thể thấy, ba văn kiện bổ sung mang nhiều hàm ý cho thấy hai vấn đề mà ASEAN rất cần vào lúc này, đó là vấn đề vai trò trung tâm, đoàn kết và vấn đề hòa bình, ổn định khu vực.
Phiên họp hẹp của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. |
Đột phá mới đáng khích lệ trong Tuyên bố chung
Ngoài ra, có một điểm rất đáng chú ý trong Tuyên bố chung của AMM-49 đó là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) không chỉ được nêu ở phần bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông mà còn xuất hiện trong phần xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Tuyên bố chung có đoạn: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết chung với việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực cũng như với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)”.
Việc đưa cam kết nói trên vào phần xây dựng cộng đồng ASEAN là điểm mới đáng ghi nhận bởi nó được đưa vào phần nguyên tắc chung lớn nhất, bao trùm mọi hoạt động của ASEAN.
Nếu chỉ nhìn vào việc Tuyên bố chung của ASEAN không đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài để vội vàng quy kết Hội nghị AMM-49 thất bại là hoàn toàn phiến diện bởi việc đưa được nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông vào phần “kim chỉ nam” hoạt động của ASEAN là tiến triển rất đáng ghi nhận.
Điều này càng có ý nghĩa hơn bởi trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49, có nhiều thông tin cho rằng, ASEAN khó có thể đạt được Tuyên bố chung vì còn một số khác biệt trong vấn đề Biển Đông và một số quốc gia thành viên trong Hiệp hội sẵn sàng hy sinh lợi ích chung để đạt được những toan tính riêng.
“Theo tôi nghĩ, đây là hội nghị thành công với ASEAN, bởi vì AMM-49 bao gồm 16 cuộc hội nghị thảo luận rất nhiều chủ đề…. Khi đề cập đến một sự kiện thì vấn đề không phải là cái mà dư luận quan tâm chú ý có được đưa vào trong văn kiện hay không mà vấn đề là chủ đề ấy có được các nước quan tâm và trao đổi hay không”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại phiên họp toàn thể. |
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng, thành công của AMM-49 có sự đóng góp tích cực của phía Việt Nam, trên tinh thần nhận thức rõ, một ASEAN hiệu quả, vững mạnh sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và trên thế giới; một ASEAN vững mạnh, hiệu quả cũng là có lợi, phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Ông Lê Hoài Trung nói: “Ở tất cả các diễn đàn trong khuôn khổ AMM-49 chúng ta đều có các tham luận, trong đó, một mặt nêu quan điểm của Việt Nam về tình hình quốc tế và khu vực, đưa ra những kiến nghị về những giải pháp để cùng ứng phó.
Chúng ta cũng đóng góp vào việc trao đổi cũng như thông qua việc xây dựng những quyết định, tuyên bố để nâng cao hiệu quả hoạt động của bản thân các cơ chế của ASEAN hoặc nhằm làm sao để thực hiện cho tốt và hiệu quả hơn các kế hoạch của ASEAN.
Đây cũng là dịp để Việt Nam nêu những quan điểm về những vấn đề mà chúng ta quan tâm, trong đó có các vấn đề về phát triển,vấn đề về gìn giữ hòa bình, an ninh. Việt Nam đã có nhiều đóng góp chung, quan trọng vào các hội nghị với nhiều hình thức khác nhau./.
Tuyên bố chung AMM-49 là thắng lợi của ASEAN