An ninh châu Á-TBD - Từ góc nhìn quan hệ Trung - Mỹ

Với châu Á-TBD, nhất là vấn đề biển Đông, Mỹ đã có nhiều động thái thể hiện sự can dự, trong khi Trung Quốc lại né tránh nhằm hạn chế và ngăn chặn việc quốc tế hoá vấn đề tranh chấp. Điều đó cho thấy sự cạnh tranh giữa hai nước lớn tại đây sẽ ngày càng gay gắt

Hội nghị An ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD) lần thứ 9 đã diễn ra tại Singapore hồi đầu tháng 6 này với sự tham dự của 320 đại biểu là quan chức cao cấp quốc phòng và các học giả của 28. Với chủ đề “Thúc đẩy an ninh trong khu vực CA-TBD”, Hội nghị đề cập đến vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên, biển Đông, tình hình chính trị Thái Lan… Ở Hội nghị này, dư luận quốc tế quan tâm quan điểm của hai nước lớn là Trung Quốc (TQ) và Mỹ đối với vấn đề an ninh khu vực trong thời gian tới.

Quan điểm của Trung Quốc

Tại Hội nghị, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội TQ Mã Hiểu Thiên cho rằng, tình hình an ninh khu vực CA-TBD về tổng thể là ổn định, hoạt động của các nước lớn ngày càng gia tăng, các nước trong khu vực tích cực tham gia và hợp tác vào tiến trình an ninh. Tuy nhiên, tình hình an ninh khu vực cũng đứng trước nhiều thách thức, một số vấn đề nóng đang có nguy cơ bùng phát trở lại.

Trước sự phức tạp về an ninh như vậy, các nước có liên quan cần giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế để tránh làm xấu thêm tình hình, cùng nhau bảo vệ hoà bình và ổn định tại khu vực. Con đường để giải quyết các vấn đề này cần phải đẩy mạnh hợp tác và phát triển, không nên chính trị hoá, hoặc lấy cớ để gây sức ép với nước khác và coi đó là công cụ để tìm kiếm lợi ích cho riêng mình.

TQ đã xác định mục tiêu an ninh chiến lược tại khu vực là: Duy trì an ninh và phát triển của bản thân TQ; Bảo vệ hoà bình và phồn vinh lâu dài tại khu vực; Thúc đẩy xây dựng CA-TBD phát triển hài hoà. Và chủ trương 5 điểm để xây dựng quan hệ đối tác an ninh kiểu mới: Quan điểm an ninh tổng hợp, đối tác toàn diện; Quan điểm an ninh chung, đối tác bình đẳng; Quan điểm an ninh mở, nuôi dưỡng sự tin tưởng lẫn nhau; Quan điểm an ninh hợp tác, đối tác cùng có lợi; Quan điểm an ninh phát triển, hướng về phía trước.

Quan điểm của Mỹ

Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ tại khu vực là: ổn định, tự do lưu thông, phát triển kinh tế và không bị cản trở. Mỹ sẽ không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng các phương pháp hòa bình, theo công ước quốc tế.

Mỹ nhấn mạnh, sự lo ngại về tranh chấp biển Đông có thể sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh khu vực, đồng thời kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Mỹ phản đối việc các công ty năng lượng và tàu thuyền Mỹ bị hạn chế hoạt động ở vùng biển Đông. Mỹ cho rằng vấn đề biển Đông ngày càng đáng quan ngại do các cuộc tranh chấp lãnh thổ có thể gây nguy hiểm đối với những tuyến đường biển và phát triển kinh tế. Mỹ lên tiếng yêu cầu được tự do tiếp cận khu vực biển Đông giàu tài nguyên và tuyên bố phản đối mọi nỗ lực đe dọa các công ty năng lượng của Mỹ tại khu vực này.

Mỹ sẽ tăng cường khả năng phòng thủ tại châu Á trên 3 phương diện: Tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, tính linh hoạt, đảm bảo phù hợp với yêu cầu của đồng minh của Mỹ và sẵn sàng đối phó với tên lửa hành trình trong khu vực. Đổi mới các cam kết về năng lực phòng thủ mạnh, hiệu quả; bảo vệ công dân Mỹ, đối tác và đồng minh. Tăng cường đóng quân tại khu vực để thực hiện các cam kết đảm bảo an ninh. Chiến lược phòng vệ tại khu vực CA-TBD của Mỹ sẽ điều chỉnh theo hướng “đồng đều, vận hành ngày càng thích ứng, và có tính đặc thù về chính trị”.

Trung - Mỹ: những quan điểm khác biệt

Trả lời phỏng vấn báo giới, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội TQ Mã Hiểu Thiên nhấn mạnh, quan hệ Trung-Mỹ là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới. TQ sẽ cố gắng xây dựng quan hệ này trong thế kỷ 21 theo hướng hợp tác tích cực toàn diện, trong đó có quan hệ giữa quân đội hai nước. TQ sẽ thực hiện giao lưu và hợp tác với Mỹ trên nguyên tắc “tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, đối đẳng, cùng có lợi”; TQ đã chính thức từ chối lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm TQ (theo kế hoạch cũ). Tuy nhiên, quan hệ quân sự Trung-Mỹ chưa phải là chấm dứt mà là tạm thời đình chỉ các hoạt động đối thoại cấp cao, còn ở cấp thấp vẫn được duy trì.

Ông Mã Hiểu Thiên cho rằng, quan hệ giữa quân đội hai nước Trung - Mỹ đang gặp 3 rào cản lớn, đó là: Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Tàu chiến và máy bay của Mỹ còn tiến hành giám sát và do thám với mật độ cao tại các vùng biển đang có tranh chấp tại vùng biển Đông và Hoa Đông. Quốc hội Mỹ thông qua “Luật Uỷ quyền quốc phòng năm 2000” và “Tu chính DeLay”, trong đó có điều khoản hạn chế giao lưu quân sự giữa 2 nước trên 12 lĩnh vực. Điều đó cho thấy, những trở ngại trong trao đổi giữa quân đội hai nước là xuất phát từ phía Mỹ.

Mã Hiểu Thiên cũng khái quát, quan hệ quân sự Trung - Mỹ đang đi theo vòng luẩn quẩn “phát triển, ngưng trệ, tiếp tục phát triển, tiếp tục ngưng trệ”. Hai bên đều mong muốn xoá bỏ lối mòn cũ này trong quan hệ giữa quân đội hai nước, nhưng các nỗ lực cho đến nay đều chưa mang lại kết quả rõ ràng. Phía TQ luôn thúc đẩy phát triển quan hệ giữa quân đội hai nước trên cơ sở tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau.

Chuyên gia quân sự TQ Hầu Văn Học cho rằng, Mỹ luôn thực hiện chính sách hai mặt đối với TQ tại khu vực CA-TBD: vấn đề Đài Loan, một mặt Mỹ không công nhận Đài Loan độc lập, nhưng mặt khác lại cam kết thực hiện Luật quan hệ với Đài Loan, bất chấp sự phản đối của TQ và vẫn tiến hành bán vũ khí cho Đài Loan. Vấn đề Tây Tạng, một mặt Mỹ không công nhận Tây Tạng độc lập và coi Tây Tạng là một phần của TQ, mặt khác lại ngấm ngầm ủng hộ các hành động ly khai của Dalai Lama. Về vấn đề chống khủng bố, một mặt Mỹ kêu gọi chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu, nhưng mặt khác lại dung túng cho các phần tử Đông Thổ vốn đã bị Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates lại cho rằng, TQ vì vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan mà cắt đứt quan hệ giao lưu quân sự hai nước và cho đây là hành động thiếu suy nghĩ. Ông Gates nhấn mạnh, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan mấy chục năm nay nhưng không ủng hộ chủ trương Đài Loan độc lập. Mỹ cũng không vì lý do TQ cản trở giao lưu quân sự hai nước mà thay đổi chính sách đối với Đài Loan.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Thời Ân Hoằng thừa nhận rằng, Mỹ rất mong muốn quan hệ giao lưu quân sự hai nước nhanh chóng khôi phục toàn diện, tuy nhiên chính sách bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ là không thay đổi, cho dù TQ có phản đối thế nào thì cuối cùng vẫn phải chấp nhận khôi phục quan hệ giao lưu quân sự với Mỹ. Tuy nhiên, sẽ không nhanh như Mỹ mong muốn, bởi nếu nhượng bộ quá nhanh thì bước tiếp theo nhất định Mỹ sẽ bán máy bay F16C.D cho Đài Loan.

Dư luận TQ nói chung đang cho rằng chính phủ TQ đã có những nhượng bộ quá mức đối với Mỹ như: hợp tác với Mỹ trong vấn đề Iran, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân tại Mỹ, trong khi đó Mỹ luôn đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm liên quan đến lợi ích cốt lõi của TQ như bán vũ khí cho Đài Loan, gặp gỡ Dalai Lama, gây sức ép về thương mại… Vì vậy, TQ không nên tiếp tục có những hành động nhượng bộ Mỹ thêm nữa. Việc từ chối mời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm TQ chính là một trong những dấu hiệu thể hiện hành động cứng rắn trong quan hệ với Mỹ. Bên cạnh đó, TQ sẽ tăng cường quan hệ với các nước tại khu vực CA-TBD, nhất là các nước ASEAN và Việt Nam nhằm đấu tranh chiến lược giành ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực.

Như vậy, với CA-TBD, nhất là vấn đề biển Đông, Mỹ đã có nhiều động thái thể hiện sự can dự, trong khi TQ lại né tránh nhằm hạn chế và ngăn chặn việc quốc tế hoá vấn đề tranh chấp tại khu vực này. Điều đó cho thấy sự cạnh tranh giữa hai nước lớn TQ và Mỹ tại đây sẽ ngày càng gay gắt, nhất là vấn đề tranh chấp biển đảo.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam thể hiện quan điểm nhất quán là “đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại”, nhằm xây dựng môi trường hoà bình, xử lý hài hoà quan hệ với hai nước lớn TQ và Mỹ để đẩy mạnh mục tiêu xây dựng đất nước, giữ vững hoà bình ổn định và phát triển khu vực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên