Anh với “nhiệm vụ bất khả thi” xét nghiệm 100.000 mẫu Covid-19/ngày

Anh với “nhiệm vụ bất khả thi” xét nghiệm 100.000 mẫu Covid-19/ngày

VOV.VN - Cam kết tiến hành xét nghiệm 100.000 mẫu Covid-19/ngày của Chính phủ Anh được các chuyên gia đánh giá không khác gì “nhiệm vụ bất khả thi”.

Chỉ hợp tít báo giật gân

Ngày 19/4, Bộ trưởng Nội các Anh Michael Gove tự tin đưa ra tuyên bố, Chính phủ Anh chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu xét nghiệm 100.000 mẫu Covid-19/ngày vào cuối tháng 4.

anh_covid_19_wyjs.jpg
Mục tiêu xét nghiệm 100.000 mẫu Covid-19/ngày vào cuối tháng 4 được đánh giá là "bất khả thi". Ảnh minh họa:AP

Theo Guardian, tuyên bố trên ngay lập tức đã khiến nhiều nhà khoa học tâm huyết với việc phòng chống dịch Covid-19 phải “đặt nghi vấn” liệu Chính phủ Anh có đang “hứa suông” và những gì mà họ tuyên bố hợp với những tờ báo thích đăng tít giật gân hơn là thực tế trần trụi. Điều này là bởi, trong ngày 18/4, hệ thống y tế Anh mới chỉ triển khai xét nghiệm được 21.626 mẫu – cách quá xa so với mục tiêu đề ra.

Giáo sư Y khoa Paul Hunter tại Đại học East Anglia, nhận định, đây là một “nhiệm vụ bất khả thi”: “Tôi không thể thấy Chính phủ Anh làm cách nào đạt được mục tiêu nào. Họ đưa ra tuyên bố trên chỉ để hướng sự chú ý của giới truyền thông chứ không vì mục đích nào khác”.

Cùng chung quan điểm này, Giáo sư Đại học Cambridge Sheila Bird – người từng là thành viên đơn vị thống kê sinh học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa – đánh giá, từ những số liệu mà các chuyên gia thu thập được liên quan đến việc tiến hành xét nghiệm Covid-19, có thể thấy ngay cả việc báo cáo thông tin về những trường hợp được xét nghiệm cũng chưa đạt chuẩn và đây là điều “không thể tin được” với hệ thống y tế được đánh giá là hiện đại như ở Anh.

Trước sự hoài nghi của các chuyên gia Anh, Bộ trưởng Nội các Anh Michael Gove khẳng định, tuyên bố của ông là “hoàn toàn có cơ sở”. Theo ông Gove, trong vòng 2 tuần qua, Chính phủ Anh đã tập trung mọi nguồn lực nhằm “tăng cường năng lực xét nghiệm”.

Từ chỗ chỉ thực hiện xét nghiệm được chưa đến 22.000 mẫu trong ngày 18/4, đến ngày 19/4, con số này đã là khoảng 38.000 mẫu/ngày. Đó là chưa kể đến năng lực xét nghiệm của các bệnh viện trên toàn nước Anh.

covid_19_xet_nghiem_iddu.jpg
Các nhân viên y tế Anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân loại thông tin đối tượng cần xét nghiệm. Ảnh: Reuters

Số lượng không phải là tất cả

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngay cả khi hệ thống y tế Anh đáp ứng được “nhiệm vụ bất khả thi” khi xét nghiệm được đủ 100.000 mẫu/ngày với số lượng y, bác sỹ “trực chiến” liên tục làm việc hết công suất, việc phân loại và gửi dữ liệu về các xét nghiệm này vẫn là một thác thức rất lớn.

“Việc đáp ứng đủ năng lực xét nghiệm cộng đồng mới chỉ là bước đi đầu tiên”, nhà dịch tễ học người Anh hiện đang công tác tại Đại học Havard Bill Hanage nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, Giáo sư Đại học Cambridge Sheila Bird chia sẻ, việc không thể biết chính xác có bao nhiêu lượt xét nghiệm được tiến hành với từng nhóm đối tượng như bệnh nhân, nhân viên y tế và người thân của họ đã khiến cho việc xác định tỷ lệ lây nhiễm trong các nhóm này trở nên rất khó khăn trong khi đây lại là một trong những thông tin quan trọng giúp các chuyên gia đánh giá chính xác hơn diễn biến dịch bệnh.

“Sự tập trung thái quá vào việc tăng số lượng xét nghiệm trong ngày sẽ dẫn tới hệ quả là những dữ liệu thu thập được trong quá trình xét nghiệm gần như không thể diễn giải được”, Giáo sư Bird giải thích. Chính vì thế, theo Giáo sư Bird: “Việc báo cáo số mẫu xét nghiệm trong một ngày mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là yếu tố khoa học”.

Theo vị Giáo sư này, lý tưởng nhất là thông tin của từng nhóm cần phải được phân loại riêng rẽ bởi trên thực tế các bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ phải trải qua ít nhất 3 lần xét nghiệm kéo dài vài tuần, trong đó 1 lần dương tính ban đầu khi nhập viện và 2 lần âm tính tiếp theo để đảm bảo bệnh nhân đã hồi phục, không còn khả năng lây lan bệnh và có thể xuất viện.

Chuyên gia Bill Hanage tại Đại học Havard cũng cho rằng, con số 100.000 xét nghiệm/ngày ngay cả nếu đạt được vẫn không thể coi là chỉ số đánh giá thực chất năng lực xét nghiệm thực tế của hệ thống y tế Anh: “Việc hướng tới một con số tưởng chừng như rất ổn này không phải là cách hệ thống y tế Anh nên nhắm đến trong thời điểm này”.

Theo chuyên gia Bill Hanage việc có tới 1/3 số người được xét nghiệm tại Anh trong tuần này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 cho thấy, việc xét nghiệm với số lượng lớn dù hữu ích cho việc đề ra những chỉ dẫn cụ thể để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng hiện vẫn chưa đạt được yêu cầu cần thiết để có thể tập trung cho việc giám sát xã hội.

Một điều quan trọng khác mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhiều lần khuyến nghị chính phủ các nước bên cạnh việc tiến hành xét nghiệm diện rộng chính là lần theo dấu vết những người mắc Covid-19 để khoanh vùng đối tượng và cách ly những người có tiếp xúc gần.

Đây chính là những biện pháp hiệu quả mà một số quốc gia như Hàn Quốc hay Đức đã triển khai và cho kết quả tích cực trong việc kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19. Trong khi đó, Chính phủ Anh đã dừng những biện pháp nói trên từ đầu tháng 3 khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt và chỉ mới cuối tuần qua mới tuyên bố sẽ tiến hành theo dấu các ca mắc Covid-19 thông qua ứng dụng điện thoại.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, sự thành hay bại khi triển khai biện pháp trên nhằm hướng tới mục tiêu dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 trên toàn nước Anh lại phụ thuộc rất lớn vào năng lực xét nghiệm sâu rộng của hệ thống y tế Anh và việc xét nghiệm này không nên chỉ giới hạn đối với các bệnh nhân phải nhập viện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên