ASEAN 2023: Giữ vững hòa bình, nỗ lực trở thành tâm điểm thịnh vượng
VOV.VN - Lần đầu tiên trong lịch sử của khối, ASEAN đã thống nhất và đặt ra một tầm nhìn và lộ trình dài hơi nhất đến năm 2045, hướng tới hòa bình và thịnh vượng.
Trong bối cảnh xung đột địa chính trị toàn cầu gia tăng, ASEAN tiếp tục hướng tới mục tiêu không biến khu vực thành nơi cọ xát quyền lực mà là nơi nuôi dưỡng hợp tác và đối thoại vì hòa bình và thịnh vượng.
Đây là một trong số các thành tựu lớn của ASEAN đạt được trong năm 2023, với khẳng định đoàn kết sẽ là chìa khoá cho ASEAN phát huy các thế mạnh và phát triển hơn nữa trong chặng đường tới đây.
Indonesia và những thành tựu nổi bật 2023
Khi Indonesia nhậm chức chủ tịch ASEAN vào năm 2023, ASEAN đối mặt với hai vấn đề lớn là kinh tế và an ninh. Các nền kinh tế khu vực và toàn cầu vẫn đang lao đao sau đợt sóng COVID-19 cùng với các xung đột địa chính trị toàn cầu, tác động đến sự phục hồi kinh tế mong manh của khu vực. Trong khi đó, xung đột, các bất đồng địa chính trị mới đang nổi lên như cuộc xung đột Gaza, tình hình Nga-Ukraine chưa được giải quyết hay những mâu thuẫn ở Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Là một quốc gia lớn trong khu vực, Indonesia được kỳ vọng chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua mọi thách thức cả về an ninh lẫn kinh tế.
Đã có một số nhận định cho rằng, chủ đề của Indonesia năm nay “ASEAN tầm vóc- Tâm điểm của tăng trưởng”, hướng ưu tiên nhiều vào tăng trưởng kinh tế trong bối cạnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt toàn cầu. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia Jokowi khẳng định,“phải có hòa bình, an ninh, ổn định thì mới có tăng trưởng”, do đó chủ đề ASEAN 2023 thúc đẩy chương trình nghị sự trên nhiều lĩnh vực.
Đánh giá những điểm nổi bật nhất trong năm chủ tịch ASEAN 2023, Ngoại trưởng Retno Masurdi nhấn mạnh: “Thứ nhất, ASEAN đã chứng tỏ được vai trò trung tâm trong việc giải quyết và điều hướng các khác biệt. Thứ hai, về tương lai của ASEAN, thông qua việc thực hiện Thỏa thuận ASEAN IV, đặt nền móng cho việc phát triển Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Thứ ba, ASEAN củng cố quy trình để đưa ra quyết định quan trọng. Thứ tư, ASEAN có vai trò trung tâm trong việc duy trì Đông Nam Á là trung tâm tăng trưởng. Thứ năm, ASEAN có thể biến Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành sự hợp tác cụ thể. Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ-Thái Bình Dương (AIPF) được tổ chức trong năm chủ tịch ASEAN có thể tạo ra 93 dự án hợp tác”.
Không thể giải quyết tất cả vấn đề trong một nhiệm kỳ
Đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN 2023 là một quốc gia lớn trong khu vực, dư luận nói chung vẫn kỳ vọng nhiều hơn vào giải pháp cho các thách thức lớn mà khối đang phải đối mặt như khủng hoảng Myanmar hay căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Nhưng thực tế đây là những vấn đề mà ASEAN phải đối mặt nhiều năm qua và kể cả khủng hoảng Myanmar, nước Chủ tịch Indonesia đã nhiều lần nhấn mạnh những thách thức trong việc thúc đẩy tiến trình. Tuy vậy vẫn có những điểm tiến bộ như các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thành lập một bộ ba gồm các chủ tịch ASEAN tiền nhiệm, hiện tại và sắp tới để phối hợp với các bên liên quan của Myanmar một cách nhất quán hơn.
Đối với vấn đề Biển Đông, nước chủ tịch Indonesia khẳng định thành công của năm này đó là nối lại các cuộc đàm phán về COC và các nước đang tăng tốc để có thể hoàn tất COC hiệu quả và thực chất… Trong khi đó đối với hàng loạt các thách thức như xung đột Nga - Ulraine, bán đảo Triều Tiên, xung đột Gaza, Hội nghị cấp cao EAS vào tháng 9 vừa để đạt được sự đồng thuận và ra Tuyên bố chung đã gặp nhiều khó khăn vì các căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên ASEAN đã tìm được tiếng nói chung, cho thấy ASEAN thực sự có khả năng thiết lập chương trình nghị sự và định hướng. Tất cả các vấn đề không thể giải quyết được trong một nhiệm kỳ Chủ tịch.
Đây là điều Tổng thống Jokowi nhấn mạnh về những kết quả ASEAN đã đạt được, nhưng về cơ bản ASEAN đang đi đúng hướng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tâm điểm của tăng trưởng. “Trách nhiệm chung của các nước ngăn chặn các cuộc xung đột mới, không tạo ra căng thẳng mới, hạ nhiệt những căng thẳng và cơ hội cho những cuộc đối thoại nhằm thu hẹp những khác biệt. Thế giới cần phải là một ngôi nhà an toàn. Cho đến thời điểm này, ASEAN đang đi đúng hướng để có thể thực hiện vai trò đóng góp cho ổn định và hòa bình cũng như trở thành tâm điểm của sự phát triển”.
Dấu ấn Việt Nam 2023
Trong tổng thể thành công chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Indonesia nói riêng và các hoạt động của ASEAN trong năm 2023 nói chung, có thể nói đều có những đóng góp không nhỏ của Việt Nam . Với tâm thế sẵn sàng, chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho thành công chung của các Hội nghị trong năm 2023.
Thông điệp mà Việt Nam muốn truyền tải trong năm nay chính là tinh thần đoàn kết ASEAN, quyết tâm đóng góp thực chất, hiệu quả cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các đóng góp và đề xuất của Việt Nam được đánh giá là hài hòa, cân bằng, vừa góp phần dung hòa khác biệt giữa các nước, vừa thúc đẩy hợp tác nội khối và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Qua đó đem lại hình ảnh một Việt Nam chủ động hơn, tích cực hơn, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn trong tham gia hợp tác ASEAN. Có thể khẳng định những dấu ấn trên của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN.
Đại sứ Mỹ tại ASEAN Youhannes Abraham nhận định: “Việt Nam và Mỹ cũng cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhau ở các diễn đàn đa phương khác nhau . Vì vậy, bằng cách tăng cường mối quan hệ Mỹ- Việt Nam, rõ ràng điều này sẽ giúp tăng thêm giá trị cho việc tăng cường mối quan hệ của Mỹ với ASEAN nói chung. Khi Mỹ tăng cường mối quan hệ với một trong số các quốc gia thành viên ASEAN, điều đó sẽ giúp nâng cao khả năng hợp tác của Mỹ với ASEAN. Điều này được thể hiện rất rõ trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo về vai trò trung tâm của ASEAN và cam kết của Mỹ với ASEAN”.
Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Kiya Masahiko nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ Nhật Bản -ASEAN: “Việt Nam nằm trên tuyến đường biển quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là đối tác chính để giải quyết các thách thức an ninh trong khu vực và quốc tế. Không chỉ vấn đề an ninh, Việt Nam cũng là quốc gia có nền kinh tế phát triển trong ASEAN. Việt Nam đang chú trọng sản xuất trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng và là một trong những điểm đến đầy hứa hẹn của các công ty Nhật Bản. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư cũng như cung cấp ODA lớn cho Việt Nam. Vì vậy tăng cường hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ góp phần vào tăng trưởng, hòa bình và ổn định khu vực cũng như hiện thực hóa các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương”.
ASEAN và câu hỏi cải cách
ASEAN đang nổi lên là tổ chức trung tâm với sự tập hợp của các nước vừa và nhỏ, cũng có sự tham gia của các nước lớn, đối tác bên ngoài khu vực. Mỗi một thành viên, mỗi nước tham gia đều có những mối quan tâm riêng nhưng điều đầu tiên quan trọng nhất là tìm ra tiếng nói chung đối với các lợi ích này. Hiện cũng có những ý kiến cho rằng, các quyết sách của ASEAN đưa ra khá chậm chạp, nhưng rõ ràng quyết định của ASEAN phải dựa trên đồng thuận và tham vấn- những nguyên tắc đã giúp ASEAN tồn tại và phát triển thành công 56 năm qua. Mục tiêu tiếp theo là điều chỉnh để làm sao hài hòa tất cả những lợi ích đó, hướng tới hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Trong bối cảnh đó, văn hóa hợp tác và đối thoại của ASEAN lại được đề cao với khẳng định "ASEAN chỉ có thể mạnh hơn nếu đi cùng nhau".
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhận định ASEAN có thể đổi mới các cơ chế giúp hoạt động hiệu quả và ứng phó tốt hơn với các thách thức, nhưng cần phải tôn trọng những quy tắc Hiến chương đã được nhất trí giữa 10 nước ASEAN. Theo Tổng thư ký ASEAN, quan trọng hơn là làm thế nào có thể giải quyết các thách thức trong và ngoài bằng việc tham vấn, thảo luận nhiều hơn. Tăng cường hội nhập ASEAN, kết nối ASEAN và đảm bảo lợi ích ASEAN sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Có thể nói rằng ASEAN tự tin hướng về phía trước, đó là lý do tại sao ASEAN đang tiếp tục thúc đẩy Tầm nhìn dài hạn đến năm 2045.
Nhìn ở góc độ chung khu vực vào toàn cầu, so với một Trung Đông đang bất ổn, ASEAN vẫn được hưởng 56 năm hòa bình và ổn định. Để đạt được điều này là sự nỗ lực và cố gắng của các nước thành viên ASEAN. Khu vực này cần tiếp tục những cải cách và đổi mới để ASEAN vượt qua không chỉ những thách thức hiện tại mà cả những thách thức trong tương lai. Theo như Ngoại trưởng Indonesia Retno nói, hiện ASEAN có thể không phải là một Hiệp hội hoàn hảo nhưng đang đóng một vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực cho hơn 650 triệu người dân khu vực.