AUKUS làm dịch chuyển cán cân quân sự khu vực, Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo?
VOV.VN - Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) trong khi căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể sẽ tiếp tục gia tăng, một nhà phân tích tại công ty tham vấn Eurasia Group nhận định.
Cán cân quân sự khu vực dịch chuyển
"Xét tới vị trí địa lý và những rủi ro an ninh ở khu vực này, hy vọng rằng sự thận trọng sẽ được đề cao", Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group cho hay, đồng thời đánh giá: "Theo tôi, hiện nay, chắc chắn cán cân quân sự khu vực sẽ ngày càng cạnh tranh hơn".
Mỹ, Anh và Australia tuần trước đã thông báo về thỏa thuận đối tác an ninh mới nhằm tăng cường sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thỏa thuận này được đưa ra giữa bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng sự hiện diện quân sự và tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Là một phần của thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Australia phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, giúp cho hải quân nước này có thể đối phó với những tàu hạt nhân của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng là nguồn cơn làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Việc ký kết thỏa thuận mới với Mỹ và Anh đã khiến Australia hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm thông thường trước đó với Pháp. Paris đã vô cùng giận dữ trước động thái này, đồng thời triệu hồi các đại sứ ở Mỹ và Australia.
Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích thỏa thuận trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, ông Triệu Lập Kiên đã chỉ trích 3 quốc gia trên vì đã "phá hủy nghiêm trọng hòa bình và sự ổn định khu vực, làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang và phá hủy những nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế".
Chuyên gia Wyne cho biết, đã có những cuộc trao đổi về việc "cán cân quyền lực quân sự" trong khu vực đang ngày càng thu hẹp lợi thế của Bắc Kinh.
Thông báo về thỏa thuận an ninh trên được đưa ra giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực định hình hướng tiếp cận của Mỹ trước quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc, tiếp nối sau cuộc chiến thương mại của chính quyền cựu Tổng thống Trump với Trung Quốc. Dù vậy, Tổng thống Biden nhận định, chiến lược của ông với Trung Quốc hoàn toàn khác biệt so với người tiền nhiệm và tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của Mỹ nhằm tăng cường đối phó với Bắc Kinh.
Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo?
Phải đến những năm 2030, hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Australia có lẽ mới được sử dụng, chuyên gia Wyne ước tính. Do đó, theo nhà phân tích này, trước mắt, Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng quân sự của mình.
"Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tăng cường hiện đại hóa quân đội bởi nước này muốn chống lại những nỗ lực trên của chính quyền Tổng thống Biden", ông Wyne cho hay.
Chuyên gia này bình luận: "Vì thế, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có thể hoàn thành được điều gì trong thập kỷ này? Và hạm đội tàu hạt nhân mới trên sẽ đóng góp gì vào khả năng răn đe bắt đầu từ đầu những năm 2030 trở về sau?"
Nhà phân tích Wyne cũng đánh giá, khả năng các cuộc khủng hoảng an ninh xảy ra ở Biển Đông ở mức thấp.
"Tuy nhiên, việc này vẫn có thể làm tăng sức ép và làm tăng rủi ro tính toán sai lầm".
Michael Klare, giáo sư nghiên cứu về hòa bình và an ninh quốc tế tại Đại học Hampshire cũng tán thành với quan điểm của nhà phân tích Wyne. Chuyên gia Klare cảnh báo, thỏa thuận an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia có lẽ không phải là "con đường dẫn tới hòa bình và ổn định" ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
"Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng từ trước thỏa thuận trên. Căng thẳng này ngày càng gia tăng liên quan đến vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Mỹ tăng cường can dự ở những khu vực này và Trung Quốc cũng đáp trả tương xứng. Do đó sẽ có sự gia tăng về căng thẳng quân sự ở châu Á".
"Sẽ có những động thái ăn miếng trả miếng ở đây nên các bên hiện đều phải tăng cường khả năng của mình", ông Klare nhận định trên CNBC ngày 21/9./.