Australia thắt chặt chính sách nhập cư và những tác động
VOV.VN - Sau một thời gian triển khai chính sách nới lỏng để thu hút người nhập cư nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động, Australia lại có bước đi mới nhất là siết chặt lại chính sách này…
Lý do Australia siết lại chính sách nhập cư
Australia quyết định ban hành chính sách nhập cư mới khi tỷ lệ thất nghiệp tại nước này có xu hướng tăng, cho thấy tình trạng thiếu lao động đã không còn căng thẳng như trong giai đoạn đại dịch và trong năm ngoái. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng Australia đã nhận thấy việc nhiều người đang lợi dụng việc nới lỏng chính sách nhập cư trong những năm qua để nhập cảnh vào Australia dưới một thị thực khác, như thị thực du lịch chẳng hạn sau đó lại chuyển đổi sang các loại thị thực sinh viên để có thể ở lại hợp pháp dưới dạng sinh viên song chủ yếu lại dành thời gian đi làm.
Số liệu của cơ quan thống kê Australia cho thấy, trong năm tài chính 2022-2023, đã có 510.000 người nước ngoài nhập cư vào nước này. Thực tế này không chỉ làm biến tướng chính sách nhập cư của Australia, hạ thấp chất lượng lao động nhập cư mà còn tạo ra những áp lực lớn trong xã hội, trong đó tiêu biểu là việc thiếu nhà ở.
Australia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở trầm trọng khi giá mua bán nhà tăng cao và số lượng nhà còn trống, không được cho thuê ở trên thị trường rất ít. Thực tế này khiến cho giá thuê nhà tăng chóng mặt, gần như nhà nào đưa ra thị trường đều nhanh chóng được cho thuê. Trong lúc người dân Australia đang phải vật lộn với cơn bão giá, giá thuê nhà tăng cao khiến không ít người phải chi 1/3 thu nhập để trả tiền thuê nhà, tạo ra áp lực rất lớn cho người dân nước này. Thống kê công bố tháng 8/2023 cho thấy số người tìm đến dịch vụ hỗ trợ dành cho những người vô gia cư ở 6/7 bang và vùng lãnh thổ của Australia đều tăng trong đó có bang tăng hơn 11%. Bên cạnh đó, Australia cũng mong muốn chính sách nhập cư mới sẽ khuyến khích mạnh mẽ hơn người lao động nước ngoài đến làm việc tại các vùng nông thôn của nước này nhằm bổ sung việc thiếu hụt lao động tại các khu vực này. Chính vì những vấn đề này mà chính phủ Australia đã phải cải tổ chính sách nhập cư để một mặt vẫn thu hút lao động có tay nghề cao đến nước này làm việc mặt khác hạn chế được những đối tượng mà nước này không mong muốn đến làm việc.
Giải pháp của Australia với làn sóng nhập cư ồ ạt
Chính sách nhập cư mới của Australia tập trung vào 2 đối tượng là sinh viên quốc tế và lao động nước ngoài. Với sinh viên quốc tế, mặc dù không hạn chế số lượng sinh viên nước ngoài đến Australia học tập song nước này đã nâng cao yêu cầu về tiếng Anh, giảm các khóa học nhằm đạt điều kiện và ngăn chặn việc đổi khóa học. Đồng thời, thời gian ở lại Australia làm việc sau khi học xong cũng đều bị rút ngắn so với các quy định trước đó. Australia cũng không cho sinh viên đã tốt nghiệp và đi làm tại nước này quay trở lại đi học nhằm kéo dài thời gian được ở lại Australia.
Quy định mới cũng nêu rõ các trường học có ít rủi ro được xem xét cấp thị thực nhanh hơn so với các trường có nhiều rủi ro. Australia sẽ yêu cầu sinh viên phải làm một bài kiểm tra để khẳng định việc các sinh viên sẽ quay trở về quê nhà sau thời gian học tập tại nước này.
Đối với người lao động nước ngoài nhập cảnh, Australia sẽ chia ra làm 3 loại, dựa theo mức lương để phân loại và từ đó xác định thời gian xem xét cấp thị thực và thời gian có hiệu lực của từng loại thị thực.
Bằng các biện pháp thắt chặt này, Australia hy vọng sẽ làm giảm lượng người nhập cư vào nước này từ 510.000 người vào năm ngoái xuống còn 375.000 người vào năm nay và năm tới là 250.000 người.
Còn để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, trước khi thay đổi chính sách nhập cư, Australia cũng đã công bố đầu tư 120 tỷ đô la Australia (AUD) để xây dựng thêm các ngôi nhà mới và các cơ sở hạ tầng mới nhằm phần nào giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở hiện nay. Tuy vậy biện pháp này chưa thể nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở trong khi đó, chính sách nhập cư mới sẽ nhanh chóng tạo ra tác động tới thị trường nhà ở. Vì vậy chính sách nhập cư mới được đánh giá là công cụ hữu hiệu để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng nhà ở tại Australia.
Rào cản đối với lao động chất lượng cao?
Australia muốn chọn lọc từ đầu vào nguồn sinh viên, lao động chất lượng cao. Liệu sự khắt khe này có trở thành rào cản khiến những lực lượng trình độ cao không còn lựa chọn Australia?
Tuy nhiên, với chính sách nhập cư mới, Australia vẫn tạo thuận lợi cho những lao động có tay nghề cao, thậm chí là rút ngắn thủ tục để những người lao động trong các ngành nghề mà nước này đang thiếu có thể nhanh chóng đến Australia làm việc, chứ không phải chờ đợi lâu như trước. Điều này có thể thấy qua việc với những người nộp đơn xin thị thực theo dạng Kỹ năng đặc biệt (với thu nhập trên 135.000 AUD/năm) thì thời gian xét duyệt thị thực này chỉ là 7 ngày và Australia sẽ cho phép 3.000 người theo diện này nhập cư vào nước này hàng năm. Ngoài ra, Australia cũng sẽ có loại thị thực mới dành cho những lao động có tay nghề quan trọng (với thu nhập từ 70.000 AUD đến 135.000 AUD/năm), danh sách các ngành nghề trong diện được cấp thị thực này sẽ được Cơ quan việc làm và kỹ năng nghề của Australia công bố và có thể thay đổi từng năm, dựa trên nhu cầu thực tế tại nước này.
Các dẫn chứng cụ thể như vậy cho thấy Australia vẫn luôn muốn thu hút các lao động có tay nghề cao cũng như những người có các nghề nghiệp mà nước này đang cần.
Chính sách nhập cư mới của Australia muốn nhắm đến việc hạn chế số lượng những người đến nước này dưới thị thực sinh viên nhưng không thực sự là để học tập mà chủ yếu là để được ở lại Australia làm việc. Những đối tượng này thường là lao động không có tay nghề cao và họ đăng ký tham gia các khoa học đơn giản, có thể chỉ là học tiếng Anh hoặc những ngành nghề không thực sự giúp người học có thể bổ sung kỹ năng nghề nghiệp. Australia đã qua giai đoạn cần những người lao động kiểu này vì vậy sẽ thắt chặt và tìm mọi cách để các đối tượng này không thể đến nước này làm việc. Và đây chính là mục tiêu của việc điều chỉnh chính sách nhập cư lần này.