Ba điều kiện để có thể chấm dứt đại dịch Covid-19
VOV.VN - Dưới đây là 3 chìa khóa để mở cánh cửa chấm dứt đại dịch Covid-19 và khiến cho virus SARS-CoV-2 không còn “thống trị” cuộc sống của chúng ta nữa.
Chấp nhận thực tế
Việc chấm dứt đại dịch Covid-19 có lẽ đang ở trong tầm ngắm của chúng ta.
Tại Mỹ, khi mà làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra đang giảm dần và số ca mắc Covid-19 giảm hơn 1/3 kể từ 1/9, cơ hội quay lại cuộc sống bình thường, mặc dù không hoàn toàn được đảm bảo, nhưng đã có thể nhìn thấy.
Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta cần làm gì để đẩy lùi cuộc khủng hoảng y tế công cộng này?
Trước tiên, chúng ta phải chấp nhận rằng Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục hiện diện trong tương lai gần. Chiến lược "Không Covid" sẽ không hiệu quả. Thậm chí, New Zealand, quốc gia gần đây phong tỏa toàn quốc vì 1 ca mắc, cũng đã phải thừa nhận điều này.
Chúng ta cũng sẽ phải thừa nhận 2 thực tế: Thứ nhất là sẽ không có khả năng virus đột nhiên trở nên giảm độc lực. Các đột biến mới có thể tạo ra nhiều biến thể dễ lây nhiễm và có độc lực mạnh hơn. Thậm chí, ở viễn cảnh tồi tệ hơn, có thể xuất hiện các biến thể thoát khỏi sự bảo vệ của các loại vaccine hiện nay.
Thứ hai, trong khi chúng ta tiếp tục đạt dược miễn dịch trong dân số qua chiến dịch tiêm chủng diện rộng thì chúng ta không thể đưa số ca mắc về mức rất thấp trong thời gian ngắn. Anthony S. Fauci, chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ cho biết nước này hướng đến mục tiêu có dưới 10.000 ca mắc mới/ngày.
Theo nhà phân tích Leana S. Wen nhận định trên Washington Post, chúng ta có thể biến Covid-19 từ một cuộc khủng hoảng trở thành vấn đề có thể giải quyết được bằng 3 biện pháp quan trọng.
Có sẵn vaccine cho trẻ em
Mặc dù đúng là trẻ em khi mắc bệnh thường không có những triệu chứng nghiêm trọng như người trưởng thành nhưng đã có hàng trăm trẻ em ở Mỹ tử vong vì Covid-19. Cứ 4 ca mắc mới ở Mỹ thì có hơn 1 ca mắc là trẻ em. Cho tới khi trẻ em được tiêm vaccine, vốn giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng, thì nhiều bậc phụ huynh vẫn phải thận trọng như thể chính họ chưa tiêm vaccine.
Hiện nay, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ có kế hoạch tổ chức một cuộc họp của ủy ban cố vấn nhằm xem xét về việc tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi vào ngày 26/10.
Nếu Pfizer nộp hồ sơ để vaccine của họ được thông qua đúng lúc, cũng như FDA chấp nhận vaccine này an toàn và hiệu quả, trẻ em có thể bắt đầu được tiêm vaccine vào Halloween này. Pfizer cũng cho biết dữ liệu nghiên cứu về vaccine cho trẻ em từ 6 tháng tuổi - 4 tuổi có thể sẵn sàng vào cuối năm 2021 và việc thông qua có thể diễn ra vào đầu năm 2022.
Thuốc uống và điều trị ngoại trú cho bệnh nhân Covid-19
Điều này cũng có thể thực hiện ở một tương lai không xa. Merck vừa thông báo những kết quả đáng chú ý về loại thuốc chống virus có tên là molnupiravir, có thể làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong khoảng 50%. Molnupiravir được uống bằng đường miệng 2 lần/ngày trong khoảng 5 ngày, một phương pháp điều trị tiện lợi hơn nhiều so với việc điều trị hiện nay đối với các ca mắc Covid-19 giai đoạn đầu, trong đó có thuốc kháng thể đơn dòng cần đến liệu pháp truyền tĩnh mạch hoặc một số mũi tiêm.
Rõ ràng, thuộc kháng virus sẽ không "chữa" được Covid-19 và việc tiêm vaccine sẽ hiệu quả hơn nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, tại Mỹ, có khoảng 70 triệu người Mỹ vẫn lựa chọn không tiêm vaccine. Vì thế, nếu loại thuốc trên được sử dụng thì điều đó đồng nghĩa với việc những người mắc bệnh cần nhập viện sẽ giảm một nửa, làm nhẹ bớt sức ép lên hệ thống y tế và cứu được nhiều sinh mạng.
Cho tới nay, Molnupiravir chỉ được thử trên những người chưa tiêm vaccine nhưng nó có tiềm năng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch đối với những ca mắc đột phá. Lý tưởng nhất, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu liệu pháp thuốc uống này liệu có hiệu quả trong việc ngăn ngừa những người bị phơi nhiễm có rủi ro cao khỏi Covid-19 hay không, giống như thuốc Tamiflu vừa có thể điều trị vừa có thể ngăn ngừa bệnh cúm.
Ngoài Merck, một số công ty dược phẩm khác, trong đó có Roche và Pfizer cũng có một số thuốc chống virus uống bằng đường miệng bước vào giai đoạn cuối của thử nghiệm lâm sàng. Điều đó tức là trong một vài tháng tới, sự kết hợp giữa tiêm vaccine và những biện pháp điều trị sớm có thể biến Covid-19 thành một bệnh giống cúm nhẹ thay vì một bệnh dịch có nguy cơ trở thành "bản án tử hình".
Xét nghiệm nhanh chóng và miễn phí
Các loại thuốc chống virus và liệu pháp truyền tĩnh mạch kháng thể chỉ hiệu quả trong việc ngăn chặn các triệu chứng nặng khi sử dụng vào giai đoạn đầu mắc bệnh. Điều đó tức là các ca mắc phải được phát hiện sớm nhất có thể. Hơn nữa, khoảng một nửa sự lây nhiễm Covid-19 xảy ra ở những người mắc bệnh tiền triệu chứng. Việc kiểm soát Covid-19 yêu cầu cần phải xác định được những người này trước khi sự lây nhiễm tiếp tục diễn ra, chủ yếu thông qua xét nghiệm.
Tại Anh, các bộ kit xét nghiệm miễn phí có sẵn cho tất cả người dân để mọi người có thể xét nghiệm 2 lần/tuần. Canada cũng đang cung cấp test nhanh miễn phí cho các doanh nghiệp. Singapore và Nhật Bản cung cấp kit xét nghiệm một cách tiện lợi qua những máy bán hàng tự động.
Nếu kit xét nghiệm có sẵn, miễn phí và nhanh chóng, mỗi gia đình có thể tự xét nghiệm tại nhà 2 lần/tuần trong hàng tuần trước khi trẻ em đến trường và phụ huynh đi làm. Bên cạnh đó, xét nghiệm có thể trở thành một điều phổ biến cho mọi người trước khi tới dự đám cưới, tiệc sinh nhật hay đơn giản hơn là ra ngoài ăn tối và có những giờ phút vui vẻ bên nhau.
Khi thực hiện cùng với các yêu cầu tiêm vaccine, việc xét nghiệm thường xuyên có thể thay thế quy định đeo khẩu trang và giãn cách trong các trường học, văn phòng và những nơi công cộng.
Việc chấm dứt đại dịch Covid-19 không phải là một điều mơ hồ nữa. Ngăn được viễn cảnh một biến thể tồi tệ hơn xuất hiện, chúng ta đi qua được những ngày tháng đen tối nhất của đại dịch. Virus có lẽ vẫn hiện diện nhưng nếu chúng ta được trang bị những công cụ phù hợp, nó sẽ không còn "thống trị" cuộc sống của chúng ta nữa./.
* Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ