Ba lý do khiến Ukraine thất thế trước Nga trên chiến trường
VOV.VN - Theo các chuyên gia, việc Ukraine liên tục thất thế trước Nga xuất phát từ ba nguyên nhân chính: sức mạnh của Nga đã được cải thiện, chiến thuật tấn công của Ukraine bộc lộ điểm yếu và phương Tây chậm trễ trong việc đáp ứng yêu cầu về vũ khí của Kiev.
Nga dồn sức cho cuộc xung đột với Ukraine
Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 4 tuần nữa, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ trở lại nhiệm sở, lực lượng Nga vẫn đang đẩy mạnh các nỗ lực tấn công Ukraine nhằm giành được lợi thế trên bàn đàm phán.
Trước đó, Tổng thống Putin từng tuyên bố Moscow sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột theo lời kêu gọi của ông Trump nhưng các đối thủ của Nga phải thể hiện thiện chí và sự sẵn sàng đàm phán. Còn nếu không, nhà lãnh đạo Nga khẳng định rằng Moscow hoàn toàn có khả năng tiếp tục cuộc chiến này cho đến khi giành được chiến thắng.
“Quân đội Nga chắc chắn đã trở thành không chỉ là một trong những lực lượng có công nghệ hiện đại nhất mà còn là lực lượng sẵn sàng chiến đấu nhất. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến này và chiến thắng sẽ thuộc về chúng tôi” - ông Putin tuyên bố trong một cuộc họp báo hồi tháng 10.
Đầu tháng 12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt ngân sách chi tiêu quốc phòng ở mức kỷ lục, chiếm tới 1/3 tổng chi tiêu của chính phủ, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngân sách năm 2025, được công bố hôm 1/12, sẽ phân bổ khoảng 126 tỷ USD (tương đương 13.500 tỷ rúp) cho các hoạt động quốc phòng. Mức ngân sách này cao hơn khoảng 28 tỷ USD (tương đương 3.000 tỷ rúp) so với kỷ lục trước đó, cho thấy ông chủ Điện Kremlin không hề “nói đùa”.
Trên thực tế, quân đội Nga đã chứng minh rằng họ có thể nhanh chóng bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới trong việc triển khai máy bay không người lái và hệ thống tác chiến điện tử trên chiến trường. Tờ Foreign Affairs nhận định, sau gần 3 năm giao tranh với Ukraine, lực lượng Moscow đã chứng minh được sức bền và khả năng chịu đựng ở mức độ cao. Theo thời gian, các lực lượng Nga cũng tổ chức lại hậu cần và đội ngũ chỉ huy, đưa ra những phương pháp khá hiệu quả nhằm vô hiệu hóa vũ khí phương Tây,
Chiến thuật tấn công bằng UAV không còn hiệu quả
Xung đột Nga-Ukraine chứa đầy những mâu thuẫn, nơi công nghệ của thế kỷ XXI như radar trinh sát và máy bay không người lái tồn tại song song với các cuộc tấn công bằng pháo binh và chiến hào theo kiểu Thế chiến thứ nhất.
Máy bay không người lái (UAV) đã dần thay thế phần lớn máy bay có người lái trong các nhiệm vụ trinh sát và tấn công. Các loại UAV nhỏ đã thay thế các UAV lớn hơn như máy bay không người lái tấn công Bayraktar 2 do Thổ Nhĩ Kỳ thường được Ukraine đưa ra chiến trường trong những ngày đầu của cuộc chiến. Tuy nhiên, việc tăng cường sử dụng máy bay không người lái đã không thể mang lại chiến thắng cho bất kỳ bên nào.
Hiện tại, số lượng và hiệu quả tấn công cao của các hệ thống phòng không đã buộc các UAV phải bay cách xa chiến trường. Đây là một trong những lý do khiến các chiến trường phần lớn là yên tĩnh nhưng sự yên tĩnh đó không đồng nghĩa với an toàn.
Theo nhóm nghiên cứu chiến tranh RAND Europe, chiến thuật tấn công từ xa và từ trên cao đang chiếm ưu thế, thường xuyên được cả Nga và Ukraine sử dụng. Việc vô hiệu hóa sức mạnh của các UAV là tin xấu đối với không chỉ Kiev mà còn với Mỹ và NATO – các nhà viện trợ quân sự lớn cho Kiev. Các quốc gia phương Tây có xu hướng đầu tư vào máy bay thay vì chế tạo số lượng lớn pháo binh, như cách Nga đang thực hiện.
"Sự hiện diện của các hệ thống phòng không đã nêu bật điểm yếu trong chiến thuật tấn công bằng UAV mà hai bên đang sử dụng. Khi UAV mất dần hiệu quả tấn công thì pháo binh lại cho thấy lợi thế”, các chuyên gia RAND cho biết.
Việc áp dụng và cải tiến những thiết bị hiện cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh của lực lượng Ukraine trên chiến trường. Tuy nhiên, điều này dường như vẫn là chưa đủ trong bối cảnh Nga có lợi thế lớn hơn nhiều về vũ khí và binh lực. Quân đội Nga đã tiến hành nhiều các đợt pháo kích và triển khai quân từ nhiều phía nhằm chọc thủng hàng phòng thủ của Ukraine ở các mặt trận. Điều này đã đem lại cho Moscow những thắng lợi đáng kể, giúp Nga đạt được tốc độ tiến quân nhanh nhất kể từ đầu cuộc xung đột với Ukraine.
Mỹ và phương Tây chậm trễ trong viện trợ cho Ukraine
“Mỗi yêu cầu về vũ khí của chúng tôi đều được đáp ứng muộn hơn 1 năm so với dự kiến” – Đó là những gì Tổng thống Ukraine Zelensky đã nói tại một cuộc báo hồi tháng 5/2024, khi ông bày tỏ sự thất vọng với các đồng minh phương Tây vì sự chậm trễ trong việc viện trợ quân sự cho Kiev.
Suốt nhiều tháng, Kiev đã kêu gọi Mỹ tăng cường viện trợ quân sự và cho phép nước này sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD đã bị đóng băng suốt nhiều tháng ở Hạ viện Mỹ cho tới khi được chính thức thông qua hồi tháng 4 năm nay; trong khi mới đây, Washington mới đồng ý nới lỏng phạm vi sử dụng vũ khí viện trợ đối với Ukraine.
Các chuyên gia của Foreign Affair cho rằng, điều này đã khiến Ukraine bỏ lỡ những thời điểm “vàng” để tiến hành phản công Nga. Theo chuyên gia George Barros thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Mỹ, việc Nhà Trắng chậm trễ triển khai xe tăng M1 Abrams, tên lửa ATACMS và tiêm kích F-16 cho Ukraine là một trong những lý do khiến cuộc phản công năm 2023 của Kiev thất bại.
"Mỹ đã trì hoãn chuyển xe tăng M1 Abrams, tên lửa ATACMS và tiêm kích F-16 cho Ukraine. Chúng chỉ đến tay Ukraine vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, trong khi thời điểm họ cần chúng nhất là vào năm 2022", ông Barros nói.
Một số ý kiến khác cho rằng, hậu quả của việc trì hoãn viện trợ của Mỹ và phương Tây đã khiến Ukraine liên tục ở thế cầm cự và phải rút lui trên hầu khắp các mặt trận. Nguồn tin chiến trường cho biết, Nga hiện nắm quyền kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine. Ngay ở khu vực Kursk nơi Ukaine coi là “quân bài mặc cả” trên bàn đàm phán tương lai, Kiev cũng mất khoảng 40% thành quả quân sự mà nước này giành được trong những ngày đầu tiên tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng vào lãnh thổ Nga.
Sự trở lại của ông Trump đang làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ sẽ tránh xa cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ này và đặt trách nhiệm hỗ trợ Ukraine lên vai các thành viên thuộc Liên minh châu Âu. Và nỗ lực viện trợ muộn màng của chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden có thể sẽ không đem lại thay đổi nhanh chóng trên chiến trường, nơi Nga đang ở thế chủ động liên tục suốt nhiều tháng qua.