Bài học nào từ chính sách tiền tệ hậu khủng hoảng của Trung Quốc?
Với vị thế đầu tàu trong sự phục hồi kinh tế sau hai năm của cuộc đại suy thoái tài chính, kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đang được dư luận quốc tế quan tâm, nhất là những giải pháp về tài chính, tiền tệ.
Theo đánh giá bởi các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang tăng trưởng theo hình chữ “V”, Trong quý I/2010, tỷ lệ tăng trưởng là 11,9%, lạm phát ở mức thấp 2,2%.
Ông Lý Hiểu Siêu, giới chức Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết cho tới thời điểm này, Chính phủ Trung Quốc khá hài lòng với kết quả đã đạt được. Những con số nêu trên cho thấy các giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu của Chính phủ nước này là “đúng đắn và hiệu quả", tuy nhiên, cơ sở tăng trưởng vẫn chưa vững chắc.
Các chuyên gia kinh tế đã cho rằng, Chính phủ Trung Quốc nên duy trì chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, mặc dù chính sách này có thể sẽ bộc lộ những nhược điểm trong thời gian tới và tạo ra những thách thức mới đối với chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong năm tài khoá 2010.
Chính sách tiền tệ “lỏng lẻo một cách thích đáng”
Năm 2010, Trung Quốc chủ trương sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức độ phù hợp, hay còn gọi là “lỏng lẻo một cách thích đáng”, tăng cường tính trọng điểm, sự linh hoạt và ổn định trong chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ sẽ thực hiện theo hướng có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của chính sách tài chính, chính sách ngành nghề và chính sách phân phối thu nhập, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn và tối ưu hóa cơ cấu nguồn cung.
Chính sách tiền tệ nêu trên cần được duy trì là do việc Trung Quốc tiếp tục xuất siêu sẽ khiến cho hệ thống ngân hàng hạn chế đầu tư vào thị trường ngoại hối, đồng thời tạo ra nguy cơ khủng hoảng tiền tệ mang tính hệ thống đối với Ngân hàng Trung ương.
Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hội nhập quốc tế, chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra lượng dự trữ ngoại hối và xuất siêu thương mại lớn của Trung Quốc trong thời gian qua. Đồng thời, đây cũng chính là một trong những yếu tố quyết định đến việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có nên tăng giá trong thời gian tới hay không.
Hiện chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang phải chịu áp lực rất lớn từ sự xuất siêu, đặc biệt là lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng. Vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải phát hành tới 3.990 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu để giảm áp lực do lượng cung Nhân dân tệ quá lớn tạo ra.
Kiểm soát chặt chẽ và thay đổi cơ cấu cung cấp vốn cơ bản của Nhà nước
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc kiềm chế lạm phát và khống chế bong bóng tài sản, Trung Quốc đã có kế hoạch kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc cung cấp vốn cơ bản của Nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng xét tới việc thay đổi cơ cấu cung cấp vốn theo hướng hợp lý và linh hoạt hơn; hoàn thiện cơ cấu đầu tư và điều chỉnh kết cấu ngành nghề; phát triển mạnh mẽ thị trường vốn thông qua tăng cường phát hành cổ phiếu mới, tăng cường cung cấp sản phẩm tài chính, tạo ra sự lưu động vốn trong xã hội; đẩy mạnh việc tung các loại trái phiếu, cổ phần ra thị trường quốc tế, triển khai thí điểm cải cách thị trường vốn OTC; đa dạng hóa và mở rộng thị trường vốn, khắc phục triệt để tình trạng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Vì thế, mức tăng trưởng kinh tế 11,9% trong Quý I/2010 cũng được các chuyên gia kinh tế cảnh báo là “Nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng quá đà. Chính phủ đã ngưng một số biện pháp kích thích. Tuy nhiên, có thể cần phải hành động mạnh hơn thế đôi chút, mặc dù hiện tại đang có nhiều tranh cãi.”
Tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho quá trình thực thi các chính sách tiền tệ
Để làm được việc này, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung vào 4 giải pháp:
Tăng cường sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài chính. Theo đó, năm 2010, Chính phủ Trung Quốc sẽ giảm thuế doanh nghiệp một cách hợp lý, điều chỉnh hợp lý các khoản chi và ưu việt hóa cơ cấu đầu tư;
Tích cực mở rộng và điều chỉnh nhu cầu trong nước thông qua các biện pháp cụ thể như: tăng thu nhập cho người dân, giảm khoảng cách thu nhập, tăng cường phúc lợi xã hội, kích thích tiêu dùng của các tầng lớp dân cư;
Cải cách công tác quản lý, giám sát về tài chính, đặc biệt là quản lý đối với lĩnh vực vốn lưu thông của chính quyền địa phương và giám sát rủi ro đối với ngân hàng thương mại, tối ưu hóa cơ cấu tín dụng để đề phòng rủi ro trong hoạt động tín dụng;
Tận dụng những cơ hội do “Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc” (ACFTA) mang lại để mở rộng xuất khẩu và chuyển dịch nguồn vốn của Trung Quốc, đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
Thận trọng trong các bước đi cải cách tiền tệ
Theo giới phân tích, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề tỷ giá hối đoái đang có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Ngày 15/4/2010, Mỹ công bố Báo cáo đầu tiên trong số hai bản Báo cáo tiền tệ được công bố 6 tháng một lần, trong đó, Trung Quốc đã bị Mỹ lên án về việc sử dụng chính sách tỷ giá hiện tại để chi phối mậu dịch, mang lại “lợi thế cạnh tranh không công bằng cho Trung Quốc trong thương mại toàn cầu”. Cả Bộ tài chính và Quốc hội Mỹ đều viện tới chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc năm 2003, khi mà thặng dư cán cân thanh toán của quốc gia này chỉ bằng 1/10 so với thời điểm hiện tại và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc khi đó chỉ bằng 1/6 tổng giá trị trái phiếu hiện thời.
Nếu Trung Quốc tiếp tục trụ vững khi đối mặt với những áp lực về việc thay đổi chính sách mà Mỹ đang đặt ra, vấn đề này có thể sẽ được đưa ra xem xét trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hơn thế, nó sẽ trở thành một trong những vụ việc đáng chú ý nhất trong những mâu thuẫn giữa hai bên. Mỹ sẽ tiếp tục đe dọa áp thuế với những mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc trong khi Trung Quốc cũng phản đòn bằng việc giảm lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà quốc gia này đang nắm giữ. Mặc dù đang phải chịu áp lực từ nhiều phía nhưng Trung Quốc vẫn kiên định chính sách tiền tệ của mình theo hướng từng bước và thận trọng.
Với dân số 1,3 tỷ người, Trung Quốc đang dần trở thành một nền kinh tế mạnh với tổng sản phẩm quốc nội ngày càng gia tăng. Theo số liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang trên đà vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc năm ngoái đạt 4.900 tỷ USD, ngay sát sau con số 5.100 tỷ USD của Nhật Bản.
Chính sách tiền tệ hậu khủng hoảng đang phản ánh tính hiệu quả của sự điều hành vĩ mô nền kinh của Chính phủ Trung Quốc. Những mâu thuẫn mới đang nảy sinh, sự tranh luận trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách kinh tế cả trong và ngoài Trung Quốc đang sôi nổi. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự và bền vững của chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn đang còn ở phía trước./.