Bản chất khoa học của phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Trump từng tuyên bố muốn phi hạt nhân hóa Triều Tiên “một cách khoa học”, tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng.
Theo Reuters, phát biểu sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Trump cho biết, ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ký vào “một cam kết không thể lay chuyển về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, ông Trump cũng cảnh báo, việc phi hạt nhân hóa “một cách khoa học” sẽ rất mất thời gian.
Tổng thống Donald Trump (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: Reuters
Quá trình phức tạp và khó khăn
Theo biên tập viên John Mecklin của chuyên san khoa học về nguyên tử “Bulletin of the Atomic Scientists”, quá trình phát triển vũ khí hạt nhân gồm 3 lĩnh vực riêng rẽ bao gồm: thu thập nhiên liệu phân hạch và các nguyên liệu khác để chế tạo bom, biến các loại nguyên, nhiên liệu nói trên thành vũ khí và chế tạo các hệ thống phóng dành cho các loại vũ khí hạt nhân được chế tạo.
Cái gọi là “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” sẽ đòi hỏi Triều Tiên phải xóa bỏ năng lực của nước này liên quan đến cả 3 lĩnh vực nói trên theo cách “có thể kiểm chứng được”. Tuy nhiên, theo ông John Mecklin điều này là hết sức phức tạp và khó khăn.
Đối với nhiên liệu phân hạch và các loại vật liệu khác, quá trình phi hạt nhân hóa đòi hỏi phải dừng ngay các lò phản ứng chế tạo plutoni, phá hủy các cơ sở làm giàu urani phục vụ việc chế tạo bom và chặn đứng những con đường mà Triều Tiên có thể nhận được nhiên liệu chế tạo bom nhiệt hạch.
Để chấm dứt quá trình phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên sẽ phải bàn giao lại toàn bộ các máy tính, chất nổ, thiết bị kích nổ, máy móc, cơ sở lắp ráp, các bãi thử hạt nhân cùng các trang thiết bị và cơ sở khác dùng để thiết kế, chế tạo và thử các đầu đạn hạt nhân.
Các loại vũ khí hạt nhân có thể phóng đi theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên, mối bận tâm lớn nhất của Mỹ là về năng lực phóng các đầu đạn hạt nhân gắn trên các tên lửa tầm trung và tầm xa và Triều Tiên sẽ phải từ bỏ tất cả các hệ thống phóng của mình theo thỏa thuận về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Trung Quốc chưa hết lo lắng sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều
Phi hạt nhân hóa hoàn toàn kéo dài ít nhất 15 năm
Chuyên gia hàng đầu về vũ khí hạt nhân và Triều Tiên tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Thế giới thuộc Đại học Stanford Siegfried Hecker nhận định, quá trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên có thể kéo dài đến 15 năm.
Khung thời gian mà ông Hecker đưa ra dựa trên chính nghiên cứu mà ông và các đồng nghiệp đã công bố mang tên “Lộ trình mang tính kỹ thuật liên quan đến phi hạt nhân hóa Triều Tiên”. Theo lộ trình này, chỉ riêng quá trình phi hạt nhân hóa “gần như hoàn toàn” cũng đã mất ít nhất 10 năm.
Theo chuyên gia Mecklin, động thái thể hiện thiện chí của Triều Tiên như phá hủy các đường hầm tại bãi thử Punggye-ri không đồng nghĩa với việc Triều Tiên không thể thử hạt nhân được nữa. Trong trường hợp cần thiết, Triều Tiên có thể đào các đường hầm khác còn nếu “muốn gây ấn tượng”, ông Kim Jong-un hoàn toàn có thể thử nghiệm hạt nhân trên mặt đất hoặc trên biển.
Cũng theo ông Mecklin, việc Triều Tiên phá hủy các đường ngầm tại bãi thử Punggye-ri không có nhiều ý nghĩa khi Triều Tiên đã chứng tỏ họ có thể chế tạo vũ khí hạt nhân và một vài giai đoạn trong chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không còn cần phải thử nghiệm nữa.
Các chuyên gia nhận định, những cam kết của Triều Tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều là hết sức mơ hồ và càng trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết nếu Mỹ không thể gây sức ép buộc Triều Tiên ký vào một thỏa thuận chi tiết, cụ thể và rõ ràng hơn về các bước đi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Cũng theo các chuyên gia, Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa đàm phán để đạt được một thỏa thuận như họ đề cập. Những gì diễn ra tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore trông “giống như một màn trình diễn về ngoại giao” hơn là một cuộc thảo luận về việc kiểm soát vũ khí giữa hai bên.
Ngay cả khi Triều Tiên chấp thuận về một lộ trình chi tiết cho quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn được đặt dưới sự kiểm soát của các thanh sát viên quốc tế, tiến trình này cũng vẫn hết sức phức tạp dù việc thanh sát đảm bảo rằng, Triều Tiên sẽ rất khó có thể che giấu số vũ khí hạt nhân cũng như các thành phần trong chương trình hạt nhân của mình. Điều này cũng giúp gia tăng khả năng Triều Tiên nhận được những ưu đãi từ phía Mỹ cũng như được Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, Triều Tiên cần nhìn vào “tấm gương nhãn tiền” là Iran khi chấp thuận phi hạt nhân hóa hoàn toàn, khi chính Mỹ là nước thuyết phục Iran ký vào thỏa thuận lịch sử nhưng cũng lại tự tay “xé bỏ” thỏa thuận này.
Thậm chí Mỹ còn mạnh tay áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran với lý do Iran không thực hiện đầy đủ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử dù chính các thanh sát viên quốc tế đã lên tiếng khẳng định Triều Tiên đã hoàn tất trách nhiệm của mình./.
Mải theo thỏa thuận với Triều Tiên, Mỹ khiến đồng minh “ngồi trên lửa"