Thế giới 7 ngày

Bán đảo Triều Tiên liệu có rơi vào một cuộc chiến tàn khốc?

(VOV) - Các động thái cứng rắn hay mềm mỏng của các bên liên quan trong lúc này sẽ quyết định đến việc tránh đổ máu trên bán đảo Triều Tiên.


Bán đảo Triều Tiên đang cận kề bên bờ vực của chiến tranh và trong lúc này việc các bên kiềm chế và "xuống thang" là điều cần thiết. Có vẻ sự xuống thang đã được nhìn thấy khi ngày 7/4, giới truyền thông cho biết, Mỹ đã quyết định hoãn một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục (ICBM) đã được lên kế hoạch vào tuần tới. Các thử nghiệm đối với tên lửa Minuteman 3 dự kiến ​​sẽ được thực hiện ở California đã bị hoãn lại đến tháng 5/2013 do lo ngại rằng Triều Tiên có thể hiểu sai mục đích của nó. Mỹ cũng đang tìm cách giảm nhiệt tại bán đảo Triều Tiên trong chuyến thăm Đông Bắc Á sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Cùng với động thái trên của Mỹ, ngày 6/4, Ngoại trưởng Trung Quốc (nước được xem là đồng minh thân cận của Triều Tiên) đã điện đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Trong cuộc điện đàm, ông Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại về căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hi vọng sẽ sớm hạ nhiệt để ngăn chặn các hành động có thể vượt qua ngoài tầm kiểm soát. Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định lập trường của Trung Quốc là những căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên cần phải được giải quyết thông qua đối thoại. Trong ảnh: Một vụ thử tên lửa Minuteman III của Mỹ năm 1994 (Ảnh: Wikipedia).


Động thái mới nhất có thể khiến nhiều người nghĩ đến việc một cuộc chiến khốc liệt sắp diễn ra trên bán đảo Triều Tiên là ngày 5/4, CHDCND Triều Tiên đã đề nghị các Đại sứ quán nước ngoài tại Triều Tiên xem xét khả năng sơ tán trong trường hợp xung đột bùng phát.

Trong một thông báo gửi cho các Đại sứ quán nước ngoài và cơ quan đại diện ngoại giao ở Bình Nhưỡng, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cho biết, do các mối đe dọa ngày càng tăng từ Mỹ, tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện rất căng thẳng. Vì vậy, các Đại sứ quán nước ngoài và cơ quan đại diện ngoại giao nên xem xét khả năng sơ tán.

Phản ứng trước thông tin này, ngày 5/4, phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Martin Nesirky cho biết, Liên Hợp Quốc hiện không có kế hoạch rút nhân viên của mình ra khỏi CHDCND Triều Tiên và cơ quan này đang nghiên cứu thông báo từ phía Triều Tiên và sẽ phản ứng một cách thích hợp.

Một số quốc gia hiện đang có đại diện tại Triều Tiên cũng cho biết, họ sẽ không ngay lập tức rút nhân viên ra khỏi các Đại sứ quán hoặc cơ quan ngoại giao tại CHDCND Triều Tiên mặc dù một thông báo kêu gọi sơ tán đã được Triều Tiên đưa ra. Trong ảnh: Đại sứ quán Nga tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: rusembdprk.ru).

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 5/4 dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, CHDCND Triều Tiên đã đưa hai tên lửa tầm trung lên bệ phóng di động và cất giấu chúng tại một địa điểm chưa xác định gần bờ biển phía Đông của nước này. Động thái trên của Triều Tiên đang làm rộ lên suy đoán, Triều Tiên đã sẵn sàng cho một vụ phóng tên lửa bất ngờ.

Đây là động thái quân sự mới nhất của Triều Tiên kể từ khi nước này đưa ra lời đe dọa phát động cuộc chiến tranh chống lại Hàn Quốc và Mỹ. Trước đó, sáng 4/4, Triều Tiên cho biết quân đội nước này đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng để phát động một cuộc tấn công vào nước Mỹ bằng cách sử dụng các loại vũ khí "nhỏ hơn, nhẹ hơn và tối tân".

Việc Triều Tiên triển khai tên lửa - được cho là loại tên lửa tầm trung Munsudan đến bờ biển phía Đông vào đầu tuần này đã buộc Mỹ phải triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa cùng hệ thống radar tiên tiến tới căn cứ quân sự trên đảo Guam của Mỹ tại Thái Bình Dương để tăng cường bảo vệ khu vực chống lại một cuộc tấn công nếu có từ Triều Tiên.

Sau khi có thông tin tình báo về việc Triều Tiên triển khai tên lửa, các tàu khu trục được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn tiên tiến Aegis cùng với radar SPY-1 có thể theo dõi hàng trăm mục tiêu ở cự ly khoảng 1.000 km đã được Hàn Quốc đặt trong trạng thái sẵn sàng tại bờ Đông và Tây của bán đảo Triều Tiên. Trong ảnh: Ảnh chụp từ vệ tinh do thám được cho là Triều Tiên đang di chuyển tên lửa (Ảnh: Yonhap).


Tiếp sau tuyên bố khởi động lại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, ngày 3/4, các quan chức Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã ngăn không cho các công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong trên biên giới nước này.

Việc không cho phép công nhân Hàn Quốc đến làm việc tại khu công nghiệp Kaesong - biểu tượng cuối cùng của sự hợp tác giữa hai miền Nam - Bắc được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tiếp có những lời lẽ cứng rắn, trong đó có việc đe dọa sẽ tấn công Hàn Quốc và Mỹ. Ngày 4/4, Triều Tiên đã yêu cầu đến ngày 10/4 tới tất cả các công ty và công nhân Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong phải rời khỏi đây.

Phản ứng trước quyết định này, Mỹ cho rằng việc Triều Tiên không cho phép các công nhân Hàn Quốc tiếp cận với khu công nghiệp chung Kaesong là một quyết định đáng tiếc. Mỹ cũng kêu gọi Triều Tiên dỡ bỏ ngay lệnh cấm này. Trong ảnh: Xe tải chở nguyên liệu của Hàn Quốc phải quay lại vì không được nhập cảnh vào Kaesong (Ảnh: AP).


Ngày 2/4, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn nguồn tin từ phát ngôn viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử của nước này cho biết, Triều Tiên sẽ khởi động lại các cơ sở hạt nhân tại tổ hợp Yongbyon vốn bị đóng cửa sau thỏa thuận tại đàm phán sáu bên năm 2007. 

Động thái này được xem là một phần trong đường lối chiến lược mới của Triều Tiên nhằm thúc đẩy xây dựng kinh tế và phát triển hạt nhân. Chiến lược này đã được thông qua tại cuộc họp toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên hôm Chủ Nhật (31/3).

Theo tuyên bố của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Triều Tiên do KCNA đăng tải, cơ quan này đã quyết định việc "điều chỉnh và khởi động lại" toàn bộ các thiết bị tại khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon, kể cả một nhà máy làm giàu urani và một lò phản ứng 5 MW". Theo các chuyên gia, Triều Tiên sẽ mất khoảng 6 tháng đến 1 năm để khôi phục hoạt động của tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Sau khi Triều Tiên tuyên bố khởi động lại các cơ sở tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước động thái này của Triều Tiên. Ngày 2/4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết, cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã đi quá xa và kêu gọi đối thoại và đàm phán để giải quyết tình hình. Trong ảnh: Tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên với tháp làm lạnh (x) trước khi bị phá hủy năm 2007 (Ảnh: Kyodo/Reuters).

Ngày 6/4, Iran và P5+1 đã kết thúc hai ngày đàm phán mà chưa đạt được thỏa thuận chung nào nhằm giảm quan ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran và cũng không đưa ra được thời gian cụ thể cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cho biết, quan điểm của hai bên vẫn có sự khác biệt bản chất cốt lõi của vấn đề trong đàm phán. Mặc dù vậy, phát biểu với báo giới sau khi kết thúc đàm phán, bà Ashton cho biết, nhóm P5+1 vẫn trông chờ vào một “cam kết thực sự” từ phía Iran đối với đề xuất này. 

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Saeed Jalili thì cho rằng, phía Iran đã đề xuất kế hoạch hành động, song nhóm P5+1 chưa sẵn sàng đón nhận và đề nghị có thêm thời gian xem xét. Trong ảnh: Iran và nhóm P5+1 đã kết thúc 2 ngày đàm phán tại Almaty, Kzakhstan mà không đạt được thỏa thuận nào (
Ảnh: Reuters).

Sáng 7/4, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2013 có chủ đề “Đổi mới, trách nhiệm, hợp tác: Châu Á tìm kiếm cùng phát triển” khai mạc tại Hải Nam, Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ 9 nước, cùng hơn 2.500 đại biểu là các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, các học giả đến từ các nước châu Á và nhiều khu vực khác trên thế giới tham dự Hội nghị này.

Trong 3 ngày diễn ra hội nghị sẽ có hơn 50 cuộc hội thảo liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý là những cuộc thảo luận về chủ đề đổi mới, sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Được thành lập năm 2001, Diễn đàn Châu Á Bác Ngao ngày càng phát triển thành diễn đàn kinh tế, chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận khu vực và trên thế giới. Trong ảnh: Toàn cảnh lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2013 (Ảnh: Tân Hoa xã).


Ngày 5/4, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã cảnh báo, sự sụp đổ của chính quyền Syria sẽ gây ra “hiệu ứng domino” tại Trung Đông và gây mất ổn định khu vực trong một thời gian dàiTrả lời phỏng vấn truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thổng al-Assad nhấn mạnh, tất cả thế giới đều biết rằng nếu Syria bị chia rẽ hay đất nước bị rơi vào tay các lực lượng khủng bố, thì điều này sẽ gây ra hiệu ứng lan truyền sang các nước láng giềng, và sau đó có thể là các nước ở xa hơn, không chỉ là Trung Đông.

Tổng thống al-Assad cũng đưa ra cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang 
bắt tay với Israel "làm loạn" Syria. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã bác bỏ cáo buộc trên và nêu rõ: “Những lời cáo buộc như việc Thổ Nhĩ Kỳ và Israel hợp tác để chống lại Syria là hoàn toàn vô căn cứ. Chúng tôi không bao giờ liên kết với một bên thứ ba nào để can thiệp vào tình hình của nước láng giềng bởi Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ vận mệnh với tất cả các nước xung quanh”. Trong ảnh: Tổng thống Syria al-Assad trả lời phỏng vấn truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/4 (Ảnh: SANA/Reuters).


Tối 4/4, một ngôi nhà đang xây dựng bất hợp pháp đột nhiên bị sập ở Ấn Độ khiến hàng chục người thiệt mạng. 

Cơ quan ứng phó thảm họa thiên tai Ấn Độ cho biết, tính đến ngày 6/4, số người chết trong vụ sập tòa nhà 7 tầng đang xây dựng ở thành phố Thane đã tăng lên 72 người, trong đó có 26 trẻ em. Ngoài ra còn có hơn 60 người bị thương.

Chính quyền địa phương cho biết, tòa nhà trên xây dựng trái phép. Mặc dù chưa hoàn thiện, song đã có nhiều người vào ở từ tầng 1 đến tầng 4. Tòa nhà đã bị đổ khi đang bắt đầu đầu xây dựng tầng 8. Hiện công tác điều tra nguyên nhân vụ sập nhà vẫn đang được tiến hành. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm nạn nhân còn sống sót và những thi thể trong đống đổ nát của tòa nhà bị sập (Ảnh: Tân Hoa xã).

Tính đến ngày 6/4, Trung Quốc đã xác nhận 18 trường hợp nhiễm cúm H7N9 trong đó có 6 trường hợp tử vong. Hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu virus H7N9 có phát triển thành trận đại dịch cúm gia cầm H5N1 cách đây một thập niên hay không.

Sau Thượng Hải, ngày 6/4, thành phố Nam Kinh (thủ phủ tỉnh Giang Tô) và thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã thông báo tạm dừng kinh doanh gia cầm sống, chim sống và đóng cửa tất cả chợ gia cầm để đối phó với cúm gia cầm H7N9.

Là nước có đường biên giới chung với Trung Quốc, ngày 4/4, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có công điện gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép nhằm ngăn chặn dịch cúm H7N9 lây lan từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trong ảnh: Gia cầm sống chờ được xử lý tại một chợ gia cầm ở Thượng Hải (Ảnh: Tân Hoa xã).


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên