Báo động “bẫy việc nhẹ lương cao” ở một số nước Đông Nam Á
VOV.VN - Được cung cấp chỗ làm việc trực tuyến, ăn ở miễn phí, lương cao… đó là những lời chào mời hấp dẫn trên Facebook hay các trang mạng xã hội khác ,đánh vào tâm lý của nhiều lao động ở các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Philippines...
Tuy nhiên giấc mộng việc nhẹ lương cao đã kết thúc khi họ bị ép buộc thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến, làm nhiều giờ trong ngày với mức lương thấp, bị quản thúc và có cuộc sống nhiều người sau khi trốn thoát miêu tả như “ trong tù”.
Tan vỡ giấc mộng việc nhẹ lương cao
Lao động làm việc trong lĩnh vực này không phải là những người kém hiểu biết, họ là những người trẻ tuổi và có học thức, đặc biệt giỏi tiếng Anh và biết sử dụng máy tính. Các lời chào mời hấp dẫn được thực hiện thông qua các trang mạng xã hội hay qua các liên hệ cá nhân về những vị trí việc làm trực tuyến như trợ lý giao dịch tiền tệ hay du lịch miễn phí, thậm chí tham dự một cuộc thi sắc đẹp qui mô địa phương.
Tuy nhiên khi đến “trụ sở” nơi làm việc, những người này bị tống vào các khu nhà kiên cố, tịch thu hộ chiếu, xé bỏ hợp đồng và bị yêu cầu học quy trình lừa đảo trực tuyến. Bà Michelle Sabino - người phát ngôn của nhóm phòng chống tội phạm mạng thuộc Lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines cho biết: "Trong số các nạn nhân chúng tôi tiếp cận, họ được tuyển dụng trực tuyến và đưa đến Philippines với việc được cung cấp vé máy bay, chỗ ăn chỗ ở miễn phí và tất cả các chi phí khác. Tuy nhiên khi đến nơi làm việc, những người này sẽ buộc phải học quy trình để thực hiện các vụ lừa đảo trên mạng. Họ phải trò chuyện với những người chủ yếu là người Mỹ, Liên minh châu Âu hay Canada để thuyết phục về cơ hội kinh doanh, thậm chí thiết lập các mối tình online để dụ dỗ người chơi".
Những lao động phải làm việc 14 giờ mỗi ngày, dụ dỗ người chơi và cuối cùng là người chơi móc hầu bao đầu tư mà những người trong giới gọi một cách thông tục là “mổ thịt lợn”. Làm nhiều giờ nhưng lao động được nhận với mức lương thấp và bị cấm rời khỏi khu nhà, thậm chí không được phép nói chuyện với bạn cùng phòng. Nhiều người cho biết cố gắng thoát khỏi nơi làm việc nhưng bị bắt phải trả một số tiền rất lớn và lo sợ bị bán cho các tổ chức tội phạm khác.
Nếu lao động không đạt chỉ tiêu hoặc vi phạm các quy tắc sẽ phải đối mặt với các hình phạt. Nhiều người được giải cứu và trốn thoát đã thuật lại các câu chuyện đau lòng về việc bị đánh đập, giật điện tra tấn, bóc lột tình dục hay bỏ đói giam cầm trong phòng tối.
Tăng cường các cuộc truy quét
Hàng loạt các cuộc đột kích, truy quét diễn ra tại các nước ASEAN sau nhiều đơn thư kêu cứu của lao động gửi tới các đại sứ quán. Cảnh sát Philippines tháng 6 vừa qua đã tổ chức một cuộc đột kích lớn, giải cứu hơn 2.700 lao động từ 18 quốc gia, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia…
Lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Indonesia trong tháng này cũng giải cứu gần 2.000 nạn nhân của các vụ buôn bán người trên khắp đất nước. Tuy nhiên các quan chức Indonesia cảnh báo đây có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi ngày càng có nhiều người trở thành con mồi của các bẫy “ việc nhẹ, lương cao”.
Trong số các nạn nhân, có 65,5% là lao động nhập cư, 26,5% bị ép làm mại dâm, 6,6% dưới độ tuổi lao động và 1,4% bị dụ dỗ làm các công việc bất hợp pháp. Một số lao động nhập cư bị lừa với những lời hứa hẹn về mức lương cao để làm việc cho các công ty dụ dỗ người chơi các trò lừa đảo cờ bạc trực tuyến. Những người khác bị ép làm gái mại dâm hoặc bán nội tạng.
Theo Cơ quan bảo vệ người lao động nhập cư Indonesia (BP2MI), chỉ có 4,6 triệu trong số 9 triệu lao động nhập cư Indonesia đang ở nước ngoài được đăng ký hợp pháp. 48,8% còn lại đang làm việc bất hợp pháp và cơ quan này không có hồ sơ chính xác về nghề nghiệp cũng như nơi cư trú của họ ở nước ngoài.
Sự vào cuộc của khu vực
Sự kết hợp lừa đảo và buôn người đã làm đau đầu nhiều quốc gia Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo ASEAN nhận thức rằng khu vực này đang trở thành một trung tâm lừa đảo trực tuyến, ảnh hưởng trên toàn cầu, bao gồm cả số lượng công dân ngày càng tăng ở các quốc gia ASEAN. Do đó đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ở thị trấn Labuan Bajo, Đông Nusa Tenggara vào tháng 5 vừa qua.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh:“Các vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân trở thành mối lo ngại của các nhà lãnh đạo ASEAN bao gồm việc bảo vệ lao động nhập cư cũng như nạn nhân của các vụ buôn bán người. Tôi kêu gọi các nước ASEAN đưa ra hành động trừng phạt thích đáng nhằm vào những kẻ phạm tội”.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo các nước ASEAN đã ra tuyên bố về chống buôn bán người do lạm dụng công nghệ. Tài liệu dài 4 trang kêu gọi khu vực xác định và giải quyết các lỗ hổng trong khung pháp lý và hệ thống, bao gồm cả vấn đề di cư và quản lý biên giới. Điều này nhằm đảm bảo các khung pháp lý hiện hành có thể bắt kịp với sự phát triển của công nghệ. Theo tuyên bố của các nhà lãnh đạo, ASEAN cần phản ứng và hỗ trợ ngay lập tức cho các nạn nhân, cải thiện và tăng cường sự phối hợp trong trao đổi thông tin.
Trong những năm gần đây, chính phủ Indonesia đang đẩy mạnh các nỗ lực chống lại tội phạm buôn bán người. Tổng thống Indonesia Joko Widodo tháng trước đã tiến hành các cải cách trong lực lượng đặc nhiệm chống buôn người để tăng cường nỗ lực bảo vệ những người tìm việc dễ bị tổn thương. Tổng thống cũng chỉ thị thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với lực lượng an ninh “ tiếp tay” cho những kẻ buôn bán người.