Khảu chí chọp, bánh xén ngày Tết của người Thái trắng Mường Trà
VOV.VN - Theo bà con đồng bào Thái Mường Chà, ngày tết không thể thiếu được khảu chí chọp, bánh xén.
Tết đến xuân về, ngoài bánh chưng, mâm ngũ quả, bà con đồng bào Thái ở huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên thường làm khảu chí chọp (một loại bánh làm từ gạo) và bánh xén để thờ cúng tổ tiên.
Bánh xén Mường Chà. |
Theo bà con đồng bào Thái Mường Chà, ngày Tết không thể thiếu được khảu chí chọp, bánh xén. Bà con làm 2 loại bánh này để thờ cúng tổ tiên và mời bà con họ hàng làng xóm, khách đến chúc Tết gia đình.
Nguyên liệu làm khảu chí chọp được bà con chọn gạo nếp hạt to, đều hạt, sàng sảy sạch sau đó ngâm qua đêm. Sáng hôm sau mới vo sạch cho vào huốt (dụng cụ đựng gạo ngâm), để ráo nước sau đó cho vào chõ xôi đồ chín rồi cho xôi ra phá khảu (dụng cụ làm bằng gỗ chuyên để cho xôi nguội) quạt cho xôi nguội. Sau đó mang đãi nước lã cho vào huốt để ráo nước rồi cho vào chõ xôi lại lần thứ 2.
Cứ khoảng 10 kg gạo xôi lần đầu, lần thứ 2 xôi lại cho khoảng 2 kg vì xôi nhiều sợ nhão, khi đem rán bánh sẽ không phồng. Trước khi làm bánh bà con chuẩn bị khuôn có nẹp hình tròn và mặt phẳng như khay hoặc mâm nhôm để đặt khuôn bánh. Bà con lấy muôi múc xôi cho vào khuôn nhưng nén vừa phải sao cho giữ nguyên hạt cơm, khi xôi trong khuôn nguội hẳn mới cho ra giàn phơi.
Bà Khoàng Thị Tươi ở thị trấn Mường Chà, tỉnh Điện Biên cho biết: “ Từ xa xưa, đến Tết bà con mới làm bánh ăn, không có gạo làm tiết kiệm gạo, không làm được thường xuyên, nhưng đến Tết dù thế nào cũng phải làm bánh xén, bánh chí chọp. Ngày Tết ngoài gói bánh chưng bà con thường làm bánh xén, khảu chí chọp để thờ cúng tổ tiên. Bánh xén, khảu chí chọp không thể thiếu được trong ngày Tết của người Thái Mường Chà”.
Bà con rán bánh xén và bánh khảu chí chọp. |
Nguyên liệu làm xén chủ yếu là gạo nếp, bà con thường chọn gạo dẻo. Gạo ngâm qua đêm sau đó cho vào (huốt) để ráo nước rồi cho vào chõ xôi như khảu chí chọp. Khi xôi chín cho ra giã nhuyễn, dùng con lăn cho bánh thành miếng mỏng khi bánh ráo đem cắt thành hình như ngôi sao, hình răng cưa, hình thù tuỳ theo ý thích sau đó đem hong gió hoặc nắng nhẹ, không được phơi nắng to vì bánh rất giòn sẽ gẫy nát.
Khi bánh khô có thể cho vào túi cất trong tủ khi nào ăn thì đem rán, khi rán cần nhiều mỡ, thả bánh vào chảo phải ngập mỡ. Bánh xén còn được bà con chế biến thành nhiều màu khác nhau như màu trắng của gạo nếp tan, màu vàng của hoa phón, màu đỏ của gấc, màu đen của gạo cẩm, màu tím của cây (khảu cắm) loại cây chuyên để ngâm gạo màu tím, nhưng chủ yếu là màu trắng của gạo.
Bà Phìn Thị Quế ở thị xã Mường Chà, tỉnh Điện Biên cho biết thêm: “Bánh xén đặc sản Mương Chà chúng tôi, lúc chao bánh cho nó nguội mới lấy muôi múc cho vào khuôn ép, ép vừa phải không bánh sẽ lì đi, hạt gạo không phồng ăn sẽ không ngon, sau đó đem ra giàn phơi nhưng không được phơi nắng to, phơi nắng to quá bánh bị giòn gẫy nát, không dính vào nhau nên khi xôi mới phải xôi 2 lần, làm bánh mới ngon”.
Ngày nay bánh xén, khảu chí chọp được bà con làm thường xuyên và trở thành hàng hoá được nhiều người ưa thích vì độ giòn, thơm ngậy của bánh. Bằng sự khéo léo của mình, bà con tạo ra các hình thù, màu mè khác nhau. Màu của bánh chủ yếu được làm từ nguyên liệu tự nhiên như màu tím thì ngâm gạo từ cây (khảu cắm) thường để nhuộm cho gạo thành màu tím, màu vàng làm từ gấc, gạo cẩm làm màu đen, màu trắng thường là màu chủ đạo của bánh.
Chị Trần Thị Kim Chung, khách hàng thường mua bánh xén ở thành phố Điện Biên Phủ cho biết thêm: “Bánh khảu xén ăn rất ngon, tôi đi công tác mương Chà, hay Mường Lay, ở đó bà con hay làm bánh khảu xén, tôi thường mua về làm quà cho các cháu, các cháu rất thích ăn bánh này”. Với vị thơm ngon, giòn đặc biệt, bánh xén, khảu chík chọp ở Mường Chà bây giờ đã trở thành đặc sản của vùng đất này, được nhiều khách hàng từ các tỉnh lân cận như Sơn La, Yên Bái, Lào Cai ưa chuộng, đặt mua./.