Bất ngờ trước sự sụp đổ nhanh chóng của lực lượng an ninh Afghanistan sau khi Mỹ rút quân
VOV.VN - Hơn 1.000 thành viên lực lượng an ninh Afghanistan đã chạy qua biên giới và hàng trăm người khác đã giao nộp vũ khí cho Taliban.
Mùa thu năm 2020, khi việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan trở nên rõ ràng hơn sau thỏa thuận hòa bình với Taliban, một số quan chức an ninh cấp cao nhất ở Kabul đã thúc giục Tổng thống Ashraf Ghani đưa ra một số lựa chọn khó khăn.
Nhiều nhân vật, trong đó có cả Bộ trưởng Quốc phòng khi đó, Assadullah Khalid, nói với Tổng thống Ghani rằng, cần phải rút quân đội và cảnh sát khỏi các tiền đồn xa xôi, và các khu vực nông thôn – nơi mà lực lượng an ninh Afghanistan chỉ nắm giữ một số cụm tòa nhà chính quyền và an ninh.
Quân đội và đạn dược rút về từ những khu vực này có thể tập trung vào cuộc chiến giành những tài sản quan trọng hơn, chẳng hạn như các con đường trọng yếu hay các cửa khẩu biên giới, trong bối cảnh lực lượng an ninh phải làm quen dần với việc không còn sự trợ giúp của không quân Mỹ và các hỗ trợ kỹ thuật khác vốn rất quan trọng để chống lại Taliban.
Đã có cuộc tranh cãi giữa các quan chức cấp cao Afghanistan xung quanh vấn đề này.
Thay vì rút lui, đã có sự sụp đổ
Trong số những người muốn thực hiện cuộc rút lui chiến lược này, có nhiều người dày dặn kinh nghiệm chiến đấu trong các cuộc nội chiến, từng chứng kiến sự thay đổi của kẻ thù lẫn đồng minh của Afghanistan.
Tổng thống Ghani và Cố vấn an ninh quốc gia Hamdullah Mohib đã phản đối cuộc rút lui khi đó.
“Chúng ta không từ bỏ một tấc đất nào của đất nước mình”, ông Mohib đã nói như vậy trong một một cuộc họp của các quan chức cấp cao Afghanistan.
Chưa đầy một năm sau, nhiều khu vực của Afghanistan - bao gồm cả những tiền đồn xa xôi đó và nhiều nơi khác - đã rơi vào tay Taliban. Hàng nghìn binh sĩ đã chạy sang các nước láng giềng hoặc đầu hàng và giao nộp vũ khí cho các phiến quân.
Thay vì rút lui, đã có sự sụp đổ, và các cơ quan tình báo [Mỹ] đã nhanh chóng tiến hành đánh giá về sức mạnh của quân đội Afghanistan. Hiện Mỹ lo ngại Afghanistan có thể “thất thủ” trong vòng vài tháng tới.
Để ngăn chặn những tổn thất, chính phủ Afghanistan đã huy động trở lại các nhóm dân quân địa phương, những nhóm từng chiến đấu chống lại Taliban - thậm chí đối địch với nhau - trong cuộc nội chiến toàn diện những năm 1990. Mới chỉ năm ngoái, Tổng thống Ghani còn tìm cách giải tán các nhóm này.
Trong bầu không khí hỗn loạn, sợ hãi và đổ lỗi đang bao trùm các khu vực do chính phủ Afghanistan kiểm soát, có lẽ chỉ có 1 điều mà toàn bộ hệ thống chính trị có chung quan điểm: không ai lường trước được quy mô hay tốc độ sụp đổ của lực lượng an ninh Afghanistan trong những tuần gần đây, ngay cả những người từng muốn thực hiện cuộc rút lui chiến lược.
“Phía chúng tôi đã phải thừa nhận rằng chúng tôi không lường trước được đợt tiến quân này của Taliban, chúng tôi đã không chuẩn bị một cách toàn diện”, một quan chức có quyền tiếp cận với Tổng thống cho biết.
Những vấn đề đã hiện hữu từ lâu
Quân đội và cảnh sát Afghanistan từ lâu bị bủa vây bởi nhiều vấn đề, cả về cấu trúc và chiến lược. Mỹ và các đồng minh đã chậm chạp trong việc bắt tay vào xây dựng lực lượng an ninh Afghanistan sau khi lật đổ Taliban. Mỹ cũng làm ngơ trước những cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của các đối tác được họ ưu ái, và nạn tham nhũng tồi tệ đến mức binh lính bị thương chết đói trong bệnh viện chính của quân đội.
Với hàng tỷ USD viện trợ, người Mỹ đổi lại được tiếng nói lớn trong cách điều hành các lực lượng an ninh, bao gồm cả những quan chức hàng đầu được bổ nhiệm.
Các nguồn tin Afghanistan cũng như quốc tế nói với Guardian rằng, chính người Mỹ đã dựa vào Tổng thống Ghani để đảm bảo ông Khalid nắm giữ vai trò Bộ trưởng Quốc phòng hồi năm 2020, ngay cả khi ông này phải nằm viện tới vài tháng tại UAE do các vết thương sau vụ ám sát của Taliban tái phát. Phải đến cuối tháng 6 vừa qua, Afghanistan mới bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng mới thay thế ông này.
Dù vậy, cuộc chiến 20 năm qua cũng đã hình thành nên một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ của Afghanistan. Các quan chức an ninh muốn rút lực lượng khỏi các tiền đồn xa xôi vì tin rằng họ có thể nắm giữ phần lớn đất nước và gần như tất cả các lĩnh vực quan trọng.
Đội biệt kích tinh nhuệ của Afghanistan - thường được huy động làm mũi nhọn tấn công trong những chiến dịch khó khăn nhất, được công nhận là một trong những đội biệt kích xuất sắc nhất trong khu vực. Những người này được đào tạo ở nước ngoài, kể cả ở Mỹ, và dạn dày kinh nghiệm chiến đấu trong nhiều năm chiến tranh khốc liệt.
Theo Guardian, lực lượng không quân Afghanistan dù nhỏ nhưng đã hoạt động hiệu quả hơn so với những gì người phương Tây dự đoán. Lực lượng này cũng đã thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế và tham gia các hoạt động chiến đấu trong vài năm qua.
Câu hỏi mà Afghanistan cũng như giới lãnh đạo nước này đang phải đối mặt là liệu họ có thể tập hợp lại lực lượng an ninh sau chuỗi thất bại gần đây và có ngăn chặn được Taliban hay không.
Theo các nguồn tin, Bộ trưởng Quốc phòng được bổ nhiệm gần đây, Bismillah Khan Mohammadi, một cựu binh già dặn trong các cuộc chiến tranh kéo dài của Afghanistan, tin rằng ông có thể ngăn chặn bước tiến của Taliban.
Tuy nhiên ông cũng dự đoán sẽ phải mất vài tuần trước tình hình có thể đảo chiều và ông cũng đã chuẩn bị cho việc sẽ có hàng nghìn binh sỹ khác đầu hàng hoặc bỏ chạy. Hơn 1.000 người đã chạy qua biên giới, và hàng trăm người khác đã giao nộp vũ khí và thiết bị cho Taliban trong các vụ đầu hàng được quay video và chia sẻ trên mạng xã hội.
Những đoạn video như vậy trở thành “công cụ” làm suy yếu tinh thần chiến đấu của những người đang bảo vệ các tiền đồn xa xôi và khiến cho việc đầu hàng khi đối mặt với một cuộc tiến quân của các nhóm phiến quân trở thành một lựa chọn dễ dàng hơn.
Tổn thất lớn cả về nhân lực và tinh thần
Quy mô của những tổn thất về nhân lực, trang thiết bị và tinh thần là quá sâu sắc đến nỗi một sĩ quan dày dặn kinh nghiệm cũng phải đau lòng khi nói về sự tan rã của các lực lượng vũ trang Afghanistan.
Taliban hiện đang nhắm mục tiêu vào không quân Afghanistan, lực lượng dù nhỏ nhưng lại rất quan trọng trong việc hỗ trợ các khu vực do chính phủ kiểm soát nhưng đang bị cô lập. Sau những cuộc tiến quân gần đây, nhiều thủ phủ của các tỉnh đã bị bao vây.
Không chỉ bắn hạ máy bay của lực lượng an ninh Afghanistan, các nhóm phiến quân còn thực hiện một chiến dịch âm thầm nhưng nguy hiểm hơn, đó là sát hại các phi công.
Để đào tạo được một phi công phải mất tới nhiều năm và điều này đồng nghĩa với việc tìm nguồn nhân lực thay thế họ là rất khó. Một câu hỏi khác đặt ra cho quân đội là liệu các nhà thầu bảo trì trực thăng và máy bay có ở lại sau khi lực lượng Mỹ rời đi hay không. Bởi cho tới nay, các kỹ sư Afghanistan vẫn chưa thể tự thực hiện công việc này.
Các tiền đồn xa xôi vốn dựa vào máy bay trực thăng để nhận tiếp tế đang cạn kiệt đạn dược, thậm chí cả lương thực. Các cuộc không kích quan trọng để ngăn chặn Taliban cũng không thể diễn ra kịp thời. Mỹ cam kết hỗ trợ từ xa với các máy bay hoạt động từ tàu sân bay và UAV từ các căn cứ khác ở Vùng Vịnh, nhưng các hoạt động như vậy cũng bị chậm lại khá nhiều.
“Chúng tôi đã gọi cho các chỉ huy của mình, gọi cho tổng hành dinh quân đội, gọi cho văn phòng thống đốc, thậm chí gọi cho chính phủ ở Kabul để yêu cầu hỗ trợ trên không, nhưng không có ai đến,” một lính đặc nhiệm mắc kẹt trong cuộc bao vây gay gắt ở một trung tâm huyện hiện đã rơi vào tay Taliban, cho biết.
“Chỉ có tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ tới để đưa những thi thể đi”, thành viên lực lượng an ninh chiến đấu ở Obe, phía Tây tỉnh Herat cho biết.
Những người bị mắc kẹt cuối cùng cũng được sơ tán bằng trực thăng, nhưng họ đã phải đốt bỏ vũ khí và phương tiện trước khi rời đi để ngăn Taliban lấy được chúng, dù điều này cũng làm Afghanistan mất thêm các trang thiết bị quan trọng.
Hồi tháng 6, hơn 20 thành viên của lực lượng biệt kích đã thiệt mạng trong một cuộc phục kích của Taliban khi họ tiến hành các nỗ lực nhằm chiếm lại một quận ở phía bắc. Phải mất hai ngày để đưa thi thể của những người này về nhà, và trong cái nóng gay gắt của mùa hè Afghanistan, việc xác định danh tính các thi thể này gần như không thể thực hiện được.
Trong số này có Sohrab Azimi, con trai của một cựu phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, từng được đào tạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Một người bạn thân của Sohrab được gọi đến để giúp xác định danh tính cho biết, anh chỉ có thể giúp thu hẹp phạm vi xuống còn 2 thi thể.
Người bạn của này không phải thành viên trong lực lượng quân đội Afghanistan nhưng cho biết, anh đã mất hai người bạn thân trong các cuộc phục kích của Taliban. Cái chết của Sohrab Azimi khiến anh ta muốn tìm cách rời khỏi sự hỗn loạn ở Afghanistan.
“Tôi không bao giờ muốn mình phải giống như vậy, để người anh em của tôi phải nhìn thấy điều đó”, người bạn này nói./.