Bầu cử Mỹ: Cử tri ưu ái Clinton hơn Trump trong các vấn đề then chốt
VOV.VN - Cử tri Mỹ bày tỏ ưu ái bà Clinton hơn ông Trump trong cách hai ứng viên hàng đầu của hai Đảng giải quyết các vấn đề then chốt của đất nước.
Kết luận trên được đưa ra từ một cuộc thăm dò do AP-GfK tiến hành và trở thành “lời cảnh báo mạnh mẽ” đối với tỷ phú Donald Trump trước viễn cảnh ông có thể phải đối mặt với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng giữa hai Đảng Cộng hòa và Dân Chủ.
Bà Clinton và ông Trump được kỳ vọng là sẽ đối mặt với nhau trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ảnh AP
Clinton “thắng sát nút” Trump trong vấn đề kinh tế
Theo đó, ngay cả khi được hỏi, ai trong số 2 ứng viên nói trên là phù hợp nhất với khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại”- khẩu hiệu chính trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, tỉ lệ ủng hộ bà Clinton cũng nhỉnh hơn so với ông Trump.
Ngoài ra, ưu thế của bà Clinton trước ông Trump trong việc tạo dựng lòng tin đối với người dân Mỹ về khả năng điều hành kinh tế đất nước- vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu- cũng không mấy rõ rệt với tỉ lệ 38% dành cho bà Clinton và 35% dành cho ông Trump.
Trong số những người tham gia cuộc thăm dò của AP-GfK, chỉ có 20% cho rằng bà Clinton thể hiện rất tốt những gì mà họ đang quan tâm trong khi 23% cho rằng bà thể hiện tốt. Con số này của ông Trump còn tệ hơn khi chỉ ở mức 15% và 14%.
Thậm chí, sự ủng hộ của các cử tri của Đảng Cộng hòa dành cho ông Trump cũng ở mức rất hạn chế khi chưa đầy 50% người tham gia cuộc thăm dò cho biết, họ tin tưởng ông Trump hơn bà Clinton khi hai ứng viên phải đối đầu với Quốc hội hoặc tìm cách tăng cường hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài.
Trong khi đó, trong số những người thuộc Đảng Cộng hòa tham gia cuộc thăm dò có khoảng 25% khẳng định rằng họ không tin tưởng ứng viên nào liên quan đến cả hai vấn đề nêu trên.
Bà Clinton đang có nhiều ưu thế hơn so với ông Trump cả trong cuộc đua trong nội bộ Đảng cũng như trong mắt cử tri Mỹ. Ảnh AP |
Những con số này cho thấy ông Trump sẽ phải làm rất nhiều để tăng số lượng người ủng hộ ông trong chính Đảng Cộng hòa nếu ông được lựa chọn làm ứng viên Tổng thống của Đảng.
Ông Greg Freeman, một người cử tri độc lập có xu hướng thiên về Đảng Cộng hòa, nhấn mạnh, ông “hoàn toàn không tin rằng” ông Trump có thể giải quyết một số vấn đề chính liên quan đến Mỹ.
“Tôi nghĩ rằng, ông Trump có thể dễ dàng đẩy Mỹ vào các cuộc chiến tranh và khiến cộng đồng quốc tế giận dữ về nước Mỹ”, ông Freeman nói: “Ông ấy nói quá nhiều về các vấn đề của nước Mỹ mà không đưa ra bất kỳ đề xuất nào".
Đối ngoại, y tế và bình đẳng giới: Clinton “vượt xa” Trump
Ưu thế của bà Clinton trước ông Trump càng rõ rệt hơn trong các chính sách liên quan đến đối ngoại và một số vấn đề trong nước.
Theo đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ hòan toàn vượt trội so với đối thủ trong việc xử lý vấn đề nhập cư, chăm sóc y tế, tăng cường hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài, đề cử các vị trí trong Tòa án Tối cao, thương mại quốc tế và làm việc với Quốc hội.
Tỷ phú Mỹ Donald Trump sẽ phải làm rất nhiều để có thể "tự tin đối mặt" với bà Clinton. Ảnh AP |
Lợi thế lớn nhất của bà Clinton chính là trong vấn đề bình đẳng giới với 55% người tham gia thăm dò ủng hộ bà so với chỉ 12% ủng hộ ông Trump.
Trong khi đó, khi được hỏi rằng ai khiến họ tin tưởng hơn trong việc bảo vệ đất nước, khỏng 37% người tham gia thăm dò cho rằng đó là bà Clinton trong khi 31% nghiêng về ông Trump. Tỷ lệ này cũng gần như giữ nguyên khi những người tham gia cuộc thăm dò được hỏi rằng ai có đủ khả năng giải quyết mối đe dọa từ IS.
Vẫn chưa thể “dứt bỏ” các đối thủ trong đảng
Dù vẫn được coi là các ứng cử viên hàng đầu của hai đảng, bà Clinton và ông Trump vẫn phải đối đầu với các thách thức từ đối thủ trong chính đảng của mình.
Thách thức này đặc biệt nghiêm trọng đối với ông Trump khi ông dù đang dẫn đầu về số phiếu đại cử tri vẫn cần phải thể hiện tốt hơn nữa trong các cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng mới mong đạt được con số 1.237 đại cử tri cần thiết để được Đảng Cộng hòa lựa chọn làm ứng viên Tổng thống của đảng.
Nếu thất bại, ông Trump sẽ buộc phải tham gia các cuộc tranh luận với các đối thủ của mình trong cuộc họp của Đảng vào tháng 7 tới để lựa chọn ra ứng viên cuối cùng. Hiện vẫn chưa rõ các nhân viên tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump đã chuẩn bị như thế nào cho “kịch bản” đầy bất trắc này.
Cuộc thăm dò do AP-GfK thực hiện với 1.076 đối tượng trong khoảng thời gian từ 31/3-4/4. Những người tham gia cuộc thăm dò được lựa chọn ngẫu nhiên thông qua các câu hỏi qua điện thoại và qua phiếu thăm dò.
Sau đó họ sẽ được phỏng vấn trực tuyến. Những người không có điều kiện tiếp cận Internet sẽ được cung cấp dịch vụ này miễn phí trong quá trình phỏng vấn.
Thách thức đối với bà Clinton được cho là “dễ thở hơn nhiều” so với ông Trump dù đối thủ của bà, ông Bernie Sanders chưa chịu “buông giáp quy hàng”.
Dù khó có khả năng “lật ngược tình thế” việc ông Sanders vẫn kiên trì theo đuổi cuộc đua tranh trong Đảng Dân chủ sẽ khiến bà Clinton bị phân tâm và chưa thể “toàn tâm toàn ý” cho cuộc bầu cử cuối cùng.
Dù vậy, bà Clinton vẫn tìm cách “chĩa mũi dùi” của mình vào các đối thủ ở Đảng Cộng hòa là ông Trump và ông Ted Cruz.
“Tôi sẵn sàng tranh luận với ông Trump hoặc ông Cruz. Ông Trump, hãy trình bày lại cho tôi biết kế hoạch xây dựng bức tường ngăn giữ biên giới Mỹ và Mexico và việc ông làm thế nào để buộc người Mexico trả tiền cho việc này. Ông cũng làm ơn giải thích lại cho tôi tại sao ông nghĩ sẽ là tốt nếu Nhật Bản và Hàn Quốc được quyền phát triển vũ khí hạt nhân?”, bà Clinton tuyên bố.
Trong khi đó, những người vận động tranh cử cho ông Trump nhận thức rất rõ việc ông cần phải tăng cường quảng bá các chính sách của mình. Tỷ phú Trump gần đây đã liên tục trình bày quan điểm của ông về các vấn đề đối ngoại. Theo đó, ông đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự tham gia của Mỹ vào NATO cũng như gợi ý rằng, một số quốc gia châu Á có thể sẽ cần đến vũ khí hạt nhân.
Cục diện bầu cử Mỹ hậu "Siêu Thứ Ba": Vẫn rất khó lường?